Chúng ta là người tốt, điều đó có nghĩa ta có khuynh hướng thực hiện
và tin tưởng điều tốt, nhưng không có nghĩa là ta vĩnh viễn tốt. Và ngược
lại. Đó là lý do những tội phạm có thể hoàn lương. Và dó cũng chính là lý
do có những người rất hiền lành bỗng dưng trở thành tội phạm. Như trong
vở kịch Hamlet của Shakespeare: “Một người có thể mỉm cười, rồi lại mỉm
cười, và trở thành một kẻ hung ác”.
Chúng ta là người tốt. Nhưng có lúc chúng ta cười cợt trước một
người điên. Chỉ một lần thôi. Chúng ta lạnh nhạt trước một lời cầu xin giúp
đỡ. Chúng ta tỏ vẻ ghê sợ một người tàn tật. Ta dửng dưng trước một số
phận xa lạ nào đó. Ta lợi dụng óc thông minh của mình để đẩy phần thiệt về
phía người khác. Một lần thôi. Chỉ một lần ta bỏ phiếu chống lại sự chính
trực. Và ta tự nhủ chung quy mình vẫn là người tốt. Chỉ một hành vi nho
nhỏ sẽ không ảnh hưởng đến cuộc chiến Thiện - Ác.
Có thật vậy không? Tôi tự hỏi.
Những tin tức trên báo nhiều khi làm ta nổi giận và đôi lúc, khiến ta bi
quan. Người ta giết nhau, chà đạp nhau, lừa gạt nhau, phản bội nhau, người
ta hành hạ những đứa trẻ, xua đuổi các cụ già, ăn chặn của kẻ nghèo khó
hơn mình. Những yêu thương, chia sẻ của ta như hạt cát ném vào không
trung, quá nhỏ bé trước nỗi bất hạnh của người khác.
Có người cho rằng con người đang trở nên vô cảm hơn. Nhưng tôi
không muốn tin như vậy. Chúng ta chỉ dễ hoài nghi hơn. Như Mạnh Tử nói
“Vô trắc ẩn chi tâm phi nhân dã” - không có lòng trắc ẩn không phải là
người vậy. Dù rằng lòng trắc ẩn không đem lại cho chúng ta niềm vui mà
chỉ khiến ta cảm thấy đau nhói trong lòng, khiến ta thấy mình bất lực, thất
bại. Khiến ta thấy mình như kẻ thua cuộc trước cái ác và những điều đau
khổ. Nhưng không ai không có lòng trắc ẩn. Nó là một gánh nặng mà trái
tim ta phải mang khi ta là một con người.