Bạn bắt đầu từ số không và học trên đường đi”
E. L. DOCTOROW
Cách đây vài năm, một khảo sát cho biết có đến 81% người Mỹ cảm
thấy có một cuốn sách trong đầu mình, và họ cho rằng mình nên viết nó ra.
Tuy nhiên, một tác giả của hơn 20 cuốn sách đã viết trong một bài báo
rằng, những người Mỹ đó tốt nhất đừng nên viết nó ra, vì ngày nay có quá
nhiều cuốn sách hạng ba được xuất bản. Ông ta cho đó là sự hão huyền và
khuyên mọi người “tiết kiệm giấy” bằng cách đừng viết ra những cuốn sách
mà họ muốn, thậm chí đừng nghĩ đến. Hãy giữ nó trong giấc mơ của họ,
nơi xứng đáng của nó.
Nhưng với tôi, quan điểm đó chỉ nhằm làm nản chí những người yếu
bóng vía. Có lẽ nên tránh xa những nhà phê bình nghiêm khắc khi ta còn
trẻ. Đôi khi, họ dập tắt mơ ước của ta không thương tiếc. Ước mơ có thể
đưa ta đi rất xa. Chính ta, chứ không phải họ.
Tôi, với tư cách là một người đọc, và một người kiếm sống bằng nghề
viết, tin rằng viết không phải là một đặc quyền riêng của các nhà văn.
Không. Viết, tưởng tượng và sáng tạo không phải là một công việc “đẳng
cấp cao” dành riêng cho một giới nào đó. Để xuất bản một cuốn sách, bạn
cần giấy phép, cần tiền, cần sự hỗ trợ…nhưng để viết một cuốn sách thì
bạn chỉ cần mong muốn và sự quyết tâm của mình, không cần ai cho phép
cả.
Magaret Mitchell vốn là một nhà báo chuyên viết tiểu sử. Khi một
người của nhà xuất bản Macmillan hỏi xem liệu Magaret Mitchell có viết
cuốn tiểu thuyết nào không, một người bạn của Mitchell đã cười phá lên:
“Tưởng tượng xem, một người ngờ nghệch như Peggy lại viết một cuốn
tiểu thuyết”. Bạn hẳn đã nghe tên tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió kể cả khi
bạn chưa từng đọc nó.