Nhưng đối với Lâm Thanh Nham, điều này chẳng là gì cả. Hắn sợ nhất
mỗi khi tan học về nhà, bắt gặp bố hắn tay cầm chai rượu, mặt mũi nổi đầy
gân xanh, hung dữ nhìn hắn. Những lúc như vậy, hắn sẽ không tránh khỏi
trận đòn. Có lúc, Lâm Thanh Nham bị bố hắn dùng cái ghế đẩu đánh ngất.
Khi hắn tỉnh lại, trời đã tối đen, bố hắn cũng không thấy bóng dáng. Hắn
dùng khăn mặt giữ trên đầu một lúc lâu, máu mới ngừng chảy. Sau đó, hắn
lơ mơ kéo cái ghế, đứng trước kệ bếp lò nấu cơm.
Tuy nhiên, tất cả mọi chuyện thay đổi hoàn toàn vào năm Lâm Thanh
Nham lên 10 tuổi. Một ngày, bố hắn uống rượu đến mức tắt thở. Có lẽ hôm
đó, thi thể của bố hắn bị hàng xóm vác đi rêu rao khắp nơi, để mỗi người
dân ở Đạo Trấn đều nhìn thấy gương mặt trắng bệch như ma quỷ của bố
hắn, nên về sau, không một đứa trẻ nào dám bắt nạt hắn. Thấy hắn từ xa,
bọn trẻ đều đi vòng qua người hắn, chúng gọi hắn là “sao Chổi chết” ở sau
lưng hắn.
Lần đầu tiên trong đời, Lâm Thanh Nham cảm thấy, hóa ra chết người
cũng là một chuyện tốt đẹp. Hắn bắt đầu sống cùng ông nội. Ông nội chỉ có
mấy mẫu ruộng. Để nuôi hắn ăn học, mỗi ngày ông lê tấm thân già nua đi
cày cấy dưới ánh nắng gắt. Mỗi khi tan học, Lâm Thanh Nham đều ra ruộng
giúp ông nội. Nhưng bọn họ vẫn rất nghèo khổ, Lâm Thanh Nham lúc nào
cũng chỉ mặc bộ quần áo sờn cũ, bữa trưa chỉ có một cái bánh màn thầu lớn,
một chút rau xanh và đậu phụ.
Nhưng cũng có người đối xử với Lâm Thanh Nham rất tốt. Đó là cô giáo
chủ nhiệm ngoài 30 tuổi, có con trai bằng tuổi hắn. Buổi trưa, cô thường gọi
hắn đến nhà cùng ăn cơm. Đây là khoảng thời gian Lâm Thanh Nham được
ăn no nhất. Hắn thấy hạnh phúc như ở trên “thiên đường”. Thân hình hắn
cũng lớn như thổi trong khoảng thời gian này, chẳng mấy chốc tăng thêm
mười mấy centimet, cuối cùng cũng giống một đứa trẻ bình thường. Thành
tích học tập vốn rất kém dần dần khởi sắc. Phần lớn thời gian, Lâm Thanh
Nham vẫn trầm mặc ít nói. Vào ngày sinh nhật của cô chủ nhiệm, hắn dè
dặt ăn hết miếng bánh ga tô ở nhà cô, tặng cô tấm thiệp do chính tay hắn vẽ.