NẾU TÔI BIẾT ĐƯỢC Ở TUỔI 20 - Trang 24

khác nhau, và chắc chắn tôi đã vận dụng tốt chuyên môn của tôi trước đây là một nhà khoa học. Vượt ra
ngoài sự cần thiết và tính tò mò, tôi đã lặp đi lặp lại cách này, hệ thống lại dần dần các kỹ năng của mình
để tạo ra các cơ hội mới. Khi người ta hỏi tôi rằng một nhà khoa học thần kinh sao cuối cùng lại là giảng
viên dạy về khởi nghiệp kinh doanh cho các kỹ sư, tôi phải nói rằng: “Chuyện dài lắm.”

Tất cả các trường hợp được kể trên đều chứng tỏ rằng dù ở bất cứ tổ chức phức tạp nào, cơ hội luôn

luôn tồn tại ngay quanh bạn. Ngay cả khi việc giải quyết các vấn đề đó dường như không tự nhiên phù hợp
với bạn, bạn vẫn thường có thể tìm ra một cách làm cho các kỹ năng của mình liên quan đến thử thách đó.
Paul Yock đã nhận ra một cơ hội bị bỏ lỡ ở bối cảnh trường đại học và hoạch định một chương trình hoàn
toàn mới mẻ để thoả mãn một nhu cầu cần thiết. Debra Dunn nhận thấy các lỗ hổng trong tổ chức và tìm
cách vận dụng những gì mình biết để đảm nhận các vai trò mà người ta không nhất thiết phải chọn cô ấy.
Còn tôi thì nhận ra một cách sáng tạo nhằm tái tổ hợp các kỹ năng của mình để có thể dịch chuyển giữa hai
lĩnh vực mà thoạt nhìn dường như hoàn toàn tách biệt.

Một cách khác để tự đề bạt chính mình là nhìn vào những thứ người khác vứt bỏ và tìm cách biến

chúng trở thành những thứ có ích. Thật ra những dự án bị bỏ đi do sơ suất lại thường có những giá trị rất
lớn. Như đã đề cập đến trước đây, đôi khi người ta vứt bỏ các ý tưởng vì họ không hoàn toàn hiểu được giá
trị của chúng, hay vì họ không có đủ thời gian để khám phá chúng một cách toàn diện. Thường thì những ý
tưởng bị bỏ đi này lại mang trong mình rất nhiều hứa hẹn.

Michael Dearing khởi nghiệp ở Disney trong lĩnh vực chiến lược, tiếp đó thành lập một thương vụ bán

lẻ nhưng không thành công, và sau đó dừng chân ở eBay, một trang web bán đấu giá hàng đầu. Ban đầu
Michael được bổ nhiệm vào một công việc mà ông không thấy hứng thú. Ông quyết định sử dụng thời gian
rảnh của mình để xem xét những tính năng được tạo ra nhưng bị bỏ đi hay lãng quên, những ý tưởng đang
chờ đợi ai đó đến khai phá chúng. Đó là những năm 2000, Michael nhận ra rằng có một tính năng cho phép
khách hàng thêm một bức ảnh vào danh sách bình thường của họ với giá 25 xu. Chỉ có 10 phần trăm khách
hàng của eBay đang sử dụng chức năng này. Michael dành thời gian phân tích những lợi ích của dịch vụ
này và có thể chứng minh rằng các sản phẩm có hình gắn kèm bán được nhanh hơn và cao giá hơn so với
các sản phẩm không có hình. Có được thông tin hấp dẫn này, ông bắt đầu tiếp thị dịch vụ hình ảnh nhiều
hơn và cuối cùng đã gia tăng mức sử dụng đặc tính này ở khách hàng từ 10 lên đến 60 phần trăm. Điều này
mang đến thêm 300 triệu đôla cho doanh thu hàng năm của eBay. Michael đã tự mình tìm ra một mỏ vàng
chưa được khai phá mà không có sự hướng dẫn của ai khác, và ông đã khai phá nó thành công, mang lại
kết quả tốt đẹp. Chi phí của công ty được giảm thiểu trong khi lợi nhuận thì cực kỳ lớn.

Đó không phải là lần đầu tiên Michael tìm ra cách tận dụng những nguồn lực quanh mình. Ngay cả khi

còn nhỏ ông đã viết thư cho những người nổi tiếng và hài lòng khi thấy hầu như họ luôn hồi âm. Giờ ông
vẫn giữ thói quen gửi email tự nguyện cho những người mình hâm mộ. Trong hầu hết các trường hợp họ
đều hồi âm cho ông, và sự liên lạc này mang đến cho ông nhiều mối quan hệ lâu dài và các cơ hội thú vị.
Ông chẳng bao giờ đòi hỏi gì từ những người ông viết mail. Việc liên lạc lúc đầu của ông chỉ là cảm ơn họ
về những gì họ đã làm, công nhận những thành quả họ đạt được, hỏi về một vấn đề đơn giản nào đó, hay
ngỏ lời giúp đỡ họ bằng cách nào đó. Ông không đợi ai mời khi liên hệ với những người này, mà ông tự
trao cho mình bước tiến đầu tiên.

Có khá nhiều nghiên cứu cho thấy những người sẵn lòng vượt ra khỏi các ranh giới của những kỹ

năng hiện tại của mình và sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm để thử làm điều gì mới, như Debra Dunn và
Michael Dearing, thì dễ có khả năng thành công hơn là những người tin rằng họ có một tập hợp kỹ năng
nhất định và những khả năng bẩm sinh khoá họ vào những vai trò cụ thể. Carol Dweck, thuộc khoa tâm lý
học của đại học Stanford, đã nghiên cứu rất sâu về vấn đề này. Cô giải thích rằng những người có tư duy
cố định về những gì mình làm tốt nhất thường ít có khả năng thành công về lâu về dài hơn là những người
với tư duy phát triển liên tục. Tác phẩm của cô tập trung phân tích thái độ của chúng ta về chính mình.
Những người luôn giữ hình ảnh cố định về những điều họ có thể làm thì thường ít khả năng mạo hiểm thực
hiện những điều có thể ảnh hưởng đến hình ảnh đó. Nhưng những người có tư duy học hỏi thường thoáng
hơn trong việc mạo hiểm và có xu hướng làm việc cật lực hơn để đạt được những mục tiêu của mình. Họ
sẵn lòng thử những điều mới có thể đẩy mạnh khả năng bản thân và mở ra những khung trời hoàn toàn mới
cho họ trên suốt hành trình của mình.

Vậy làm sao chúng ta có thể tìm ra những lỗ hổng cần được lấp đầy? Thật ra nó khá đơn giản. Bước

đầu tiên là học cách chú ý. Các đồng nghiệp của tôi ở trường “d.school” đã phát triển một bài tập đi thẳng
vào vấn đề trọng tâm của việc nhận diện cơ hội. Đầu tiên những người tham gia được yêu cầu lấy ví của
mình ra. Sau đó họ tách thành các cặp và phỏng vấn nhau về ví của họ. Họ thảo luận về những gì họ yêu và
ghét về ví của mình, đặc biệt chú ý cách họ sử dụng ví để mua và lưu trữ như thế nào.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.