CHƯƠNG 4 – Vui lòng lấy ví của bạn ra
Trước khi nghỉ hưu, cha tôi từng rất thành công với vai trò một ủy viên ban điều hành. Ông tiến lên
từng cấp bậc, từ một kỹ sư trẻ lên vai trò quản lý rồi đến ủy viên ban điều hành. Ông cũng có những chức
vụ cao ở một số công ty đa quốc gia lớn. Khi lớn lên, tôi bắt đầu quen với việc ông được thăng tiến, từ phó
chủ tịch đến phó chủ tịch điều hành rồi đến phó chủ tịch điều hành cấp cao,v.v... Việc thăng tiến của cha
xảy ra đều đều cứ khoảng hai năm một lần. Vì thế tôi luôn luôn thấy ấn tượng với những thành tựu của cha
và xem ông là một thần tượng tuyệt vời.
Chính vì vậy tôi đã không thể không ngạc nhiên khi cha tỏ vẻ bực dọc với tôi lúc tôi đưa ông xem một
trong những tấm danh thiếp mới của tôi. Trong đó ghi là “Tina L.Seelig, Chủ tịch.” Tôi đã thành lập công
ty riêng và in danh thiếp cho mình. Cha tôi nhìn những tấm danh thiếp rồi nhìn tôi và nói: “Con không thể
tự gọi mình là chủ tịch được.” Theo kinh nghiệm của ông, bạn phải đợi ai đó đề bạt mình lên vai trò lãnh
đạo chứ không thể tự bổ nhiệm chính mình. Cha tôi đã chìm quá sâu vào thế giới mà những người khác đề
bạt bạn vào các chức vụ có tách nhiệm cao hơn, đến mức ông cảm thấy không hài lòng lắm khi thấy tôi tự
đặt mình vào chức danh đó.
Tôi đã gặp trạng thái tâm lý này không phải chỉ một lần. Hai mươi năm trước khi tôi nói với một người
bạn rằng tôi sắp viết một cuốn sách, cô ấy hỏi tôi: “Sao bạn nghĩ là bạn có thể viết sách?” Cô ấy không thể
hình dung ra được việc thực hiện một dự án như thế mà không có sự khuyến khích của một người ở vị trí
cao hơn. Tôi thì khác, tôi thấy rất tự tin rằng mình có thể làm được. Công việc này chắc chắn là rất tham
vọng, nhưng tại sao ta không thể thử? Vào lúc đó không có cuốn sách nổi tiếng nào về hóa học trong nấu
ăn. Tôi muốn đọc một cuốn sách như vậy. Và vì chưa có cuốn nào như thế, nên tôi quyết định tự viết một
cuốn. Tôi không phải là chuyên gia trong lĩnh vực đó, nhưng vì là một nhà khoa học nên tôi nghĩ mình có
thể học nó dần dần. Tôi đặt ra một kế hoạch chi tiết, viết mẫu một số chương, xem xét kỹ lưỡng để tìm ra
những điểm tốt nhất, và giành được cho mình một hợp đồng.
Sau khi quyển sách đầu tiên ra đời, tôi rất ngạc nhiên khi thấy nhà xuất bản vận động quảng cáo khá ít
cho quyển sách. Nên tôi quyết định tạo ra một dịch vụ giúp các tác giả được biết đến nhiều hơn với các tác
phẩm của mình, đồng thời giúp độc giả biết về những quyển sách có thể họ quan tâm đến. Một lần nữa, có
khá nhiều người hỏi tại sao tôi nghĩ mình có thể thành lập một công ty. Đây rõ ràng là một thời gian khó
khăn với tôi, nhưng tôi tin mình biết nên làm thế nào. Tôi thành lập BookBrowser vào năm 1991, vài năm
sau khi các trang web đầu tiên ra đời. Ý tưởng của tôi là tạo ra một hệ thống các quầy sách, với khách hàng
là những nhà sách, nhằm “kết nối giữa sách và việc mua sách”. Tôi xây dựng một mẫu đầu tiên trên máy
tính Mac và sử dụng Hypercard, một phần mềm cho phép người sử dụng kết nối giữa “thẻ” này với “thẻ”
khác, giống như các đường link từ một trang web tới những trang web khác trên mạng hiện nay. Phần mềm
này cho phép người sử dụng truy cập những đường link để tìm hiểu về một tác giả, tên sách hay một thể
loại sách cụ thể. Tôi cũng gặp gỡ những người quản lý các nhà sách địa phương, những người đồng ý cho
để các quầy trong nhà sách của họ. Ngoài ra tôi cũng trao đổi với hơn chục nhà xuất bản có quan tâm đến
việc đưa sách của họ vào hệ thống. Khi đã hài lòng với ý tưởng vững chắc của mình, tôi thuê một đội
những người lập trình để tiến hành làm sản phẩm. Chẳng ai bảo rằng tôi có thể hay nên làm điều này... Tôi
vẫn cứ làm.
Theo thời gian, tôi ngày càng nhận thức rõ hơn rằng thế giới được chia thành hai nhóm: những người
đợi sự cho phép hay ủng hộ của người khác để làm điều mình muốn, và những người tự trao cho mình
quyền đó. Một số người tự nhìn vào bên trong mình để tìm kiếm động lực, còn những người khác thì đợi
các lực bên ngoài đẩy mình đi. Theo kinh nghiệm của tôi, có rất nhiều thứ để nói về việc chớp lấy những
cơ hội thay vì đợi ai đó trao chúng cho bạn. Luôn luôn có những khoảng trắng đợi được lấp đầy và vô số
các miếng vàng cơ hội nằm trên mặt đất chỉ đợi ai đó đến nhặt lên. Đôi khi nó có nghĩa là nhìn ra ngoài
bàn làm việc kia của chính bạn, ra khỏi toà nhà bạn đang ở, qua bên kia đường, hay xung quanh góc đường
nào đó. Nhưng các miếng vàng luôn ở đó chờ bất cứ ai sẵn lòng nhặt chúng.
Đây chính là điều Paul Yock đã khám phá. Như đã giới thiệu, Paul là giám đốc của Chương trình Thiết
kế sinh học (Bio Design Program) của đại học Stanford. Nơi làm việc chính của ông là trường y, nằm ngay
bên kia đường đối mặt với trường kỹ thuật theo đúng nghĩa đen. Khoảng mười năm trước, Paul nhận ra
rằng Stanford đang bỏ lỡ một cơ hội lớn khi không tìm cách liên kết giữa đội ngũ gồm khoa và sinh viên
trường y với đội ngũ bên kia trường kỹ thuật để phát minh những kỹ thuật y khoa mới. Đội ngũ y khoa
gồm các bác sĩ, sinh viên và những nhà nghiên cứu cần các kỹ sư để thiết kế những sản phẩm và các quy