NGÀN NĂM ÁO MŨ - Trang 4

LỜI CẢM ƠN

Ngàn năm áo mũ chắc chắn không thể hoàn thành sớm nếu không

có sự giúp đỡ nhiệt tình từ phía những người bạn, người đồng nghiệp
của chúng tôi.

Nay nhân dịp cuốn sách được ra mắt bạn đọc, chúng tôi xin cảm

ơn các anh chị Trịnh Bách, Lý Tiệp, Philippe Trương, Nguyễn Lân
Cường, Nguyễn Như Đan Huyền, Nomura Chosho, Nguyễn Quang
Duy, Nguyễn Nhật Anh, Nguyễn Thành Đạt, Đỗ Thận Tuấn, Nguyễn
Thế Bách, Nguyễn Thị Dung, Tô Lan, Trần Văn Quyến, Nguyễn Phát
Hà Giang, Chihiro Motohiro, Hồ Như Ý, là những người đã sao chụp,
cung cấp tư liệu cho chúng tôi. Đặc biệt, Lý Tiệp còn là người giúp
chúng tôi thực hiện một số tranh vẽ phục dựng.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn anh Đinh Thanh Hiếu, Trịnh

Bách, Đoàn Ánh Dương, những người đã tận tình hiệu đính bản thảo,
bác Đỗ Lai Thúy, bác Dương Trung Quốc, anh Nguyễn Mạnh Tiến, chị
Quách Hiền, anh Đặng Hải Quang những người đã có nhiều sự quan
tâm và giúp đỡ chúng tôi trong việc tìm kiếm các nguồn tài trợ.

Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn các anh Nguyễn Hữu Chiến,

Nguyễn Hồng Minh, Nguyễn Quang Huy cùng công ty PMC, công ty BFS
đã tài trợ cho công trình nghiên cứu này.

Chúng tôi xin gửi lời tri ân tới ban lãnh đạo cùng các anh chị phòng

Tu thư, phòng Chế bản thuộc Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã
Nam, những người đã tạo nhiều điều kiện cho sự ra đời cuốn sách này.
Chúng tôi đặc biệt cảm ơn chị Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, biên tập viên
chính của cuốn sách, chị Mai Thị Mai, người trực tiếp trình bày cuốn
sách, và anh Tạ Quốc Kỳ Nam, họa sĩ thiết kế bìa sách.

Hà Nội, cuối xuân năm Quý Tỵ 2013

Trần Quang Đức

LỜI TỰA 1

Ở nước ta, trước nay khi muốn tìm hiểu văn hóa cổ của dân tộc,

nhất là về cách ăn mặc, người ta không biết phải trông vào đâu. Các sách
cổ như Lịch triều hiến chương hay các sách Khâm định, Hội điển đôi khi
có nhắc đến một vài kiểu y phục, mũ mão, nhưng cũng chỉ sơ lược, và
thường không có hình ảnh dẫn chứng.

Các tác phẩm trên được viết với mục đích áp dụng cho người đương

thời, chứ không phải là sử liệu hay tài liệu văn hóa cho đời sau. Hơn nữa,
trong thời đại của các cổ tác gia đó, khi những kiểu loại trang phục được
nhắc đến trong sách của họ vẫn còn thông dụng, tên gọi họ liệt kê vẫn là
các vật dụng đời thường, thì việc giải thích về chúng là không cần thiết.
Tỉ dụ như ngày nay có mấy ai cần phải được giảng giải mới biết thế nào
là cái áo dài hay chiếc nón lá. Nhưng tương tự, vài năm nữa đây phần
đông giới trẻ sẽ không mường tượng nổi cái áo đại cán như thế nào.

Văn hóa trang phục truyền thống Việt Nam bị mất dấu tích sâu

đậm nhất khi nền văn hóa Tây phương do người Pháp đưa vào được áp
đặt triệt để lên xã hội Việt Nam. Tiếp theo đó là sự đổi thay của lịch sử và
ý thức hệ. Những biến động xã hội ấy khiến cho ngày nay không ai còn
biết ông bà ta ngày xưa ăn mặc, sinh sống như thế nào. Và khi cần tái
hiện lối ăn mặc của người Việt trong quá khứ, người ta “sáng tác” một
cách tùy tiện.

Phim ảnh là phương tiện truyền bá văn hóa cho giới trẻ hữu hiệu và

trực tiếp, nhưng hiện nay nhiều bộ phim hay vở kịch tái hiện lịch sử lại
có phục trang truyền thống khác nhau. Rồi gần đây khi sự giao lưu văn
hóa trở nên dễ dàng thì trang phục truyền thống Việt Nam trong phim
ảnh và trên sân khấu lại mang đậm dấu ấn của phim ảnh Trung Quốc.
Đây là đợt hủy diệt nguy hiểm hơn hết cho kiến thức về lịch sử văn hóa
áo mũ truyền thống của giới trẻ Việt Nam.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.