Đã hết thời hoàng kim của những cuốn sách lợm mùi tình ái và tanh máu
giang hồ. Sau những cơn choáng ban đầu khi chuyển sang cơ chế thị
trường, người đọc đã biết sống thiết thực hơn. Những cuốn sách dạy cách
làm giàu, dạy mở doanh nghiệp trở nên đắt giá. Bàn của Lương lúc nào
cũng bừa bộn bản thảo.
“Tôi viết cuốn sách này sau khi được tin ông chủ hãng Honda tuyên bố
với báo chí rằng, sau khi ông qua đời, hãng Honda không thuộc quyền con
trai ông mà là của Hội đồng quản trị.
Ông nói:
- Hãng Honda bây giờ không còn là tài sản riêng của gia đình tôi nữa.
Nó là niềm tự hào của nước Nhật, là niềm tự hào của hàng triệu con người.
Vì thế, người kế vị tôi phải thật xứng đáng với uy tín lớn lao mà hãng
Honda đã giành được.
Người ra tuyên bố trên, cách đây 50 năm hãy còn là một người thợ sửa
chữa xe đạp lầm lũi trên hè phố Tokyo. Lúc đó, nước Nhật vừa bại trận.
Đạo quân Quan Đông vừa bị đánh tan tác ở Mãn Châu Lý. Từ khát vọng
làm bá chủ châu Á, nước Nhật trở thành kẻ chiến bại, phải bồi thường chiến
tranh.
Người chiến thắng ngẩng cao đầu, tự hào, gặm nhấm chiến công của
mình. Kẻ chiến bại thì nhìn thẳng vào sự nhục nhã để tìm một lối đi. Người
thợ chữa xe đạp bên hè phố Tokyo kia cũng vậy. Ông cắm cúi lao động,
nhặt từng xu để sống và mơ ước có một chiếc xe hai bánh không phải đạp
bằng chân. Và, chính ông đã trở thành ông chủ hãng Honda – một trong số
100 công ty giàu có nhất hành tinh”.
Tôi vớ những tập bản thảo trên bàn Lương, đọc ngấu nghiến hết tập này,
đến tập khác. Một chú bé nhặt phân trở thành tỷ phú, đứa đầy tớ rửa bát,
quét nhà trở thành chủ khách sạn 5 sao, cô hầu phòng trở thành bà chủ công
ty du lịch v…v… và v…v… Những trang sách đánh thức khát khao làm
giàu và chỉ cách làm giàu. Sách của Lương in bao nhiêu bán hết bấy nhiêu,
không ít cuốn phải in thêm nhiều lần và lãi suất không nhỏ. Ấy là những
đồng lãi sạch sẽ, thơm tho.