vùng đồng cỏ Serengeti
hơn là từ các xưởng vẽ Paris. Ngẫm lại, việc sử dụng
các chủ đề nguyên thủy có vẻ như là một nhu cầu tất yếu của nghệ thuật, một
ngọn giáo - nếu như ta thích ví von - mà Picasso đã phóng đi trong cuộc tấn
công mở đầu của ông vào cái thành trì tường cao hào sâu của phép phối cảnh
và thuyết nhân quả. Umberto Boccioni, họa sĩ Vị lai người Italia, đã tóm tắt
cảm giác của các nghệ sĩ của thế kỉ mới này khi ông tuyên bố vào năm 1919:
“Chúng ta là những người nguyên thủy của một nền văn hóa chưa được biết
đến”.
Để có thể hiểu được những khái niệm ghê gớm của vật lí mới, việc cần thiết
đầu tiên là phải từ bỏ niềm tin cho rằng không gian tuyến tính liên tục kiểu
Euclid là nền tảng của thế giới khách quan; thời gian là một dòng chảy không
ngừng nghỉ ở bên ngoài mọi hoạt động của Con người; quy luật nhân quả là
mối nối giữa những mắt xích, liên kết các sự kiện mà chúng ta chứng kiến; và
thế giới tồn tại trên các mặt ghép của cái lưới phối cảnh. Tất cả những niềm tin
khắc sâu trong tâm trí ấy đã trở thành một phần của mẫu hình quy chuẩn của
thế kỉ mười chín cũng như chúng là một phần mẫu hình của chúng ta. Tuy
nhiên, chúng lại không tích hợp với cái chiều kích cao hơn tiếp theo của
không-thời gian hay của những phương diện trái logic trong cơ học lượng tử.
Người nghệ sĩ phương Tây đã phát hiện ra một cách nhìn mới về thế giới
qua cặp mắt của các nghệ sĩ châu Phi và châu Đại Dương trước khi vật lí học
bắt đầu hiểu được mối gắn kết chung giữa nó và một thế giới quan đã được
diễn tả từ lâu trong các nền văn hóa bộ tộc. Nhà nhân loại học Waldeman
Bogoras viết: “Theo một cách nào đó, người ta có thể nói rằng các ý niệm của
vật lí hiện đại về không gian và thời gian, khi được khoác cái áo hình thức tâm
linh cụ thể, thì lại có vẻ như thuộc về thầy mo”. Hẳn là các thầy mo của những
nền văn hóa bộ tộc không có chữ viết sẽ rất thú vị khi phát hiện ra rằng những
ý niệm của họ về thực tại lại có nhiều điểm chung với vật lí hiện đại hơn so với
quan điểm của một nhà khoa học thế kỉ mười chín.