Bất chấp mối lãnh đạm được công khai nói ra lời của Magritte với vật lí hiện
đại, toàn bộ tác phẩm của người nghệ sĩ kín đáo này đã làm hiện hình nhiều
khái niệm của nó, giúp cho người xem có thể hiểu vật lí tốt hơn là nghe những
lời giải thích dài dòng. Michel Foucalt, người đã viết một cuốn sách về các tác
phẩm của Magritte, phát biểu: "Thật vô ích khi chúng ta cố gắng nói lên cái ta
nhìn thấy; cái ta nhìn thấy không bao giờ ở trong cái ta nói."
Được gợi ý từ de Chirico, người mà ông rất ngưỡng mộ, Magritte cũng gắn
kết hai hình ảnh đánh dấu sự chuyển dịch của thời gian. Nơi nào de Chirico sử
dụng chiều dài của các bóng râm và màu sắc của bầu trời, thì Magritte trộn
phong cảnh ban ngày với một bầu trời đêm. Ở những chỗ khác, ông đảo ngược
nguồn chiếu sáng và tạo nên những hình ảnh qua gương. Cách duy nhất mà hai
khoảng thời gian đối lập nhau trong ngày có thể được nhìn thấy cùng một lúc
như vậy là vào khi thời gian đã dãn nở ra ở vận tốc gần vận tốc ánh sáng. Đêm
tiếp theo ngày là một trình tự đã diễn ra thông thường đến mức, khi bị buộc
phải nghĩ đến việc chúng cùng xảy ra vào một thời điểm, thì đó chính là một
bước phát triển vượt bậc nữa trên con đường lĩnh hội một cách sâu sắc cái thời
gian bị dừng đứng lại.
Magritte còn tạo nên một hình ảnh thể hiện khái niệm khó hiểu về hiện
tượng co lại của không-thời gian ở c. Trong lí thuyết của Eisntein, khi vận tốc
của người du hành tăng dần đến vận tốc của ánh sáng, thì không gian ở quanh
anh ta cuối cùng trở nên mỏng đi vô hạn, đến mức anh ta không còn có thể
thực hiện được chuyến đi nào xuyên qua nó. Ở vận tốc ánh sáng, không gian
trở nên phẳng đến vô hạn. Phía sau đã quay lại thành phía trước! Khi không
gian đã bị nén lại đến mức đó, thì người du hành, nhìn về phía trước sẽ gặp
ngay phải sự thật là phần đầu phía gáy của anh ta sẽ là hình ảnh duy nhất có
thế thấy giống như bức tranh tinh nghịch không thế có được Nhà gương (1939)
(Hình 16.7) của Magritte.