CHƯƠNG III
TÁC-GIẢ TỰ XUẤT-BẢN
Khoảng mười năm trước, trong một số Thanh Nghị, Vũ đình Hoè
phàn nàn cho đời sống nghèo nàn của “bọn thợ xây nền học thuật
của cả một dân tộc”, tức bọn nhà văn. Ông đưa ra những con số cho
ta thấy một nhà văn có tài và được công chúng ưa mến, viết đều đều
chỉ kiếm được trung bình mỗi tháng một số tiền bằng lương của một
công chức thấp nhất. Rồi sau khi so sánh tình trạng đó với cảnh giàu
sang của một số chủ báo, nhà xuất bản, nhà phát hành, ông tỏ vẻ bất
bình và đề nghị hai phương sách cho nhà văn đỡ nghèo:
Phương sách thứ nhất là lập nghiệp đoàn ký giả để đòi cho được
một số tiền nhuận bút xứng đáng và được quyền chia lời hàng năm
của tờ báo.
Phương sách thứ nhì là các nhà văn lập văn đoàn ở khắp nơi, liên
lạc với nhau, hùn vốn tự xuất bản rồi tổ chức công việc phát hành,
gởi sách lẫn cho nhau bán, như vậy sẽ lợi cho nhà văn gấp ba gấp
bốn lần bán bản quyền.
Hiện nay, Nghiệp đoàn ký giả đã thành lập, số tiền nhuận bút đã
tăng, tuy chưa được xứng đáng, nhưng không còn quá tệ như hồi
tiền chiến; còn đòi quyền chia lời hàng năm với chủ báo thì Nghiệp
đoàn có lẽ chưa dám nghĩ tới: báo bán chạy hai ba chục ngàn số, lời
mỗi ngày hàng chục ngàn đồng, chủ báo cuối năm cũng chẳng chia
cho ký giả một đồng nào; mà báo bán ế thì chủ báo chậm trả lương,
khất tuần nầy qua tuần khác, và tới lúc đóng cửa, thiếu lương luôn
của ký giả.
Về phương diện đó, nghiệp đoàn ký giả còn phải tranh đấu nhiều.
Ở đây chúng tôi chưa muốn bàn tới, chỉ xét vấn đề nhà văn tự xuất
bản lấy, tức là đề nghị thứ nhì của Vũ đình Hoè.