Bà dì và cô cháu đem nhau ra một góc tận đằng xa. Ông nhà báo cầm
mũ ra thẳng với sự giận dữ và sự nhận chân ra cái chân lý: nghề viết báo là
một bạc nghệ. Xuân Tóc Đỏ đi đi lại lại có vẻ đợi chờ...
(49)
− Dì dặn cái thằng ấy đến đây làm gì thế?
− À, thế dì đã bảo là để cháu nhận nó giúp việc thì dì cho xây cái
sân quần ở nhà để dì cháu ta tập mà lại?
− Vâng, nhưng mà xây sân quần thì cũng phải ít lâu nữa chứ? Ai
mượn ngay nó làm gì cho tốn cơm tốn tiền?
Bà Phó Đoan ngẩn người ra mà rằng:
− Ừ nhỉ? Nhưng mà bắt đợi chờ thì nó chết đói mất!
Hồi lâu, bà lại mừng rỡ thì thào vào tai cháu:
(50)
− Hay là thế này… Trước khi có sân quần, ta hãy... như thế, thì
không sợ cơm toi.
(51)
Cháu nghĩ sao?
Ấy thế là Xuân Tóc Đỏ bắt đầu dự vào cuộc cải cách xã hội.
(52)
NGUỒN:
[chương] IV
Bản A: Số đỏ, chuyện cười dài, Vũ Trọng Phụng, Hà Nội Báo, s. 43 (28 Octobre 1936), tr. 33-38.
Bản B: Số đỏ, tiểu thuyết, Vũ Trọng Phụng; Nhà in Lê Cường, Hà Nội, 1938 (mất văn bản)
Bản C: Số đỏ, tiểu thuyết cười dài, Vũ Trọng Phụng; Nxb. Minh Đức, Hà Nội, 1946, tr. 47-62.
Bản D: Số đỏ, Vũ Trọng Phụng; Nxb. Mai Lĩnh, Hà Nội, 1952, tr. 41-53.
Bản E: Số đỏ, tiểu thuyết cười dài, Vũ Trọng Phụng; Nxb. Minh Đức, Hà Nội, 1957, tr. 39-49.
Bản F: Số đỏ, tiểu thuyết xã hội tả chân, Vũ Trọng Phụng; Nxb. Mai Lĩnh, Sài Gòn, 1958, tr. 37-48.
Bản G: Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, tập III, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1987, tr. 40-51.