của Vũ Trọng Phụng”
Kể từ đó, mỗi số Hà Nội Báo đăng một chương Số đỏ, một chuyện
cười dài. Tuy vậy, tác phẩm cũng chỉ được đăng đến chương II của Phần thứ
ba Số đỏ, (tức là chương XVI theo thứ tự toàn truyện). Bởi, sau số 55, coi
như số cuối cùng, Hà Nội Báo đóng cửa vì bị chính quyền đương thời thu lại
giấy phép, cùng lúc với hai tờ báo khác là Tiếng Trẻ và Bắc Hà.
()
Vũ Trọng
Phụng chuyển sang cộng tác với tờ Tương Lai, viết phóng sự Lục-sì, tiếp đó,
khoảng giữa 1937, nhận lời mời của Nguyễn Giang, chủ nhiệm Đông Dương
Tạp Chí (tục bản), Vũ Trọng Phụng làm thư ký tòa soạn phần tiếng Việt cho
tờ tuần san ấy; sang năm 1938 – 39, ông lại cộng tác với các tờ Thời Vụ,
Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Tao Đàn. Trên các tờ này Vũ
Trọng Phụng đưa đăng nhiều tác phẩm khác nhau, thường là các tác phẩm
mới viết, dài hoặc ngắn, nhưng không thấy ông cho đăng tiếp tiểu thuyết Số
đỏ, dù dưới dạng đăng lại từ đầu hay dưới dạng đăng bổ sung 4 chương cuối
truyện (có lẽ vì toàn bộ bản thảo đã được giao cho chủ nhân Hà Nội Báo).
Năm 1938, Số đỏ được nhà in Lê Cường cho in thành sách riêng.
Đây là nhà in của chủ nhân tờ Hà Nội Báo. Đương thời, đứng tên xin
giấy phép in sách, tức là đứng ra xuất bản ấn phẩm, − không chỉ có thể là
các hãng xuất bản (éditions) hay chủ xuất bản (éditeur), mà các hiệu sách
(librairie), các nhà in (imprimerie), hoặc cá nhân các tác giả cũng có thể
đứng tên thực hiện. Những trường hợp như nhà thơ Phạm Huy Thông tự
đứng tên in tập thơ đầu tay của mình (Tiếng sóng. Yêu đương, 1934), nhà
văn Vũ Trọng Phụng tự đứng tên in vở bi kịch đầu tay của mình (Không một
tiếng vang, 1934) không hề là việc cá biệt. Nhân đây cần khẳng định rằng,
một số thông tin do một số sách báo nghiên cứu đã từng nêu ra, coi Lê
Cường như “nhà xuất bản” − là thông tin lầm lẫn. Hiện tại có thể tìm thấy tại
Thư viện Quốc gia ở Hà Nội gần 150 tên sách do Lê Cường xuất bản, đều
với tư cách nhà in (thường viết tắt: Impr. Lê Cường), vì Lê Cường chưa bao