trâu, vác nổi cái cày, Mai lại phải đi ở cho nhà giàu chăn trâu, cày
ruộng. Mai rất sáng dạ, chỉ thoáng nghe bọn trẻ con nhà chủ học bài
nào là thuộc ngay bài ấy, trông thấy viết chữ nào là viết được chữ
ấy. Có sức khoẻ, Mai lại càng ham học quyền học võ. Chàng thanh
niên có nước da đen rám ấy nổi tiếng giỏi vật nhất vùng.
Cũng như mọi người dân đất Việt, Mai Thúc Loan phải đi phu,
phục dịch bọn quan lại đô hộ rất vất vả, lại còn bị đánh đập rất dã
man. Ông hết sức căm giận bọn cướp nước hại dân. Vì gan dạ, bướng
bỉnh nên ông được dân trong vùng cử làm chức đầu phu để mong
ông bênh vực phần nào cho bà con thôn xóm. Một ngày mùa tu hú
kêu năm 722, Mai Thúc Loan cùng toán dân phu phải đi gánh quả
vải, nộp cống cho bọn thống trị nhà Đường.
Giữa khi nội thuộc Đường triều
Giang sơn cố quốc nhiều điều ghê gai
Sâu quả vải vì ai cắn lá,
Ngựa hồng trần kể đã héo hon…
(Dân ca xứ Nghệ)
Đường xa, nắng gắt, Thúc Loan bảo mọi người dừng chân vào
bóng mát nghỉ. Rồi ông lớn tiếng chửi mắng, kể tội bọn quan lại
đô hộ, và bảo mọi người ăn vải, còn lại thì gánh trở về không đem
nộp cống nữa:
“Ta nghe nói ở xa nghìn dặm chẳng sợ người, huống chi nước ta
xa đến vạn dặm, không lẽ ta lại chịu bó tay?”.
Đoàn quân phu nghe theo, cùng Mai Thúc Loan nổi dậy khởi
nghĩa. Hàng trăm người của các phường săn và trai tráng quanh vùng
cũng kéo đến hưởng ứng. Thế lực nghĩa quân ngày một mạnh. Lợi