Thuyền địch va phải cọc nhọn, bị vỡ, bị đắm rất nhiều. Quân
địch bỏ cả chèo, nhảy xuống sông. Phần bị giết, phần chết
đuối, thiệt hại đến quá nửa. Hoằng Thao cũng bỏ mạng ở nơi đây.
Quân địch hoàn toàn tan rã. Vua Nam Hán đang điều quân tiếp
viện cho con, giữa đường nghe tin quân bị hãm, con bị giết, hốt
hoảng, rụng rời, vừa khóc vừa thu nhặt tàn quân rút chạy chứ không
dám dấn thân mặt đối mặt với Ngô Quyền.
Chiến dịch Bạch Đằng đã kết thúc thắng lợi. Ý chí xâm lược
của kẻ địch hoàn toàn bị đè bẹp. Nước Nam Hán cát cứ còn tồn tại ở
Quảng Châu vài chục năm nữa, song không còn một lần nào dám
bén mảng sang ta.
Lưu Cung tham công to mà chịu tai vạ.
Nguyễn Trãi (1427) đã hạ một lời bình như vậy!
Nhà sử học nổi tiếng đời Trần, Lê Văn Hưu (1272) ca ngợi Ngô
Quyền và chiến thắng Bạch Đằng:
“Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới nhóm họp của đất Việt ta
mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Thao, mở nước xưng
vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể
bảo là một cơn giận mà yên được dân, mưu cũng giỏi mà đánh cũng
giỏi”.
Với chiến dịch Bạch Đằng cuối năm 938, nhân dân ta đã thực
sự lớn mạnh về trí tuệ và khả năng đánh bại kẻ địch, không những
chỉ bằng du kích mà bằng cả chính quy, không những chỉ ở trên bộ
mà cả bằng thuỷ chiến. Chiến thắng Bạch Đằng là đoạn nhạc
kết thúc bài ca trường hận của nhân dân ta trong thời kì một ngàn
năm “Bắc thuộc” và cũng là khúc tấu dạo đầu của bản anh hùng ca
chống Tống, chống Nguyên, Minh thắng lợi về sau.