phượng thuyền san sát, cờ xí rợp trời. Cả hai vội xuống ngựa. Đi
gấp, phóng nhanh, nên Hầu toát hết mồ hôi. Nóng và khát, Hầu
giục Kiện rảo bước. Một đội quân Thánh Dực bỗng tiến ra. Một người
tiến lại dâng Hầu một quả cam vua ban và lễ phép mời Hầu quay
lại. Hầu tức lắm, nói lớn:
- Ta là Hoài Văn Hầu, còn đây là Hoài Nhân Vương. Quan gia
truyền tất cả vương, hầu đến đây dự họp. Sao ngăn ta lại?
Chí Hầu lớn nên Hầu cứ tưởng người Hầu cũng lớn. Hầu quên
khuấy mất là Hầu mới mười lăm. Là con nhà võ, người Hầu sớm
vạm vỡ hơn những bạn cùng lứa. Nhưng dù sao, Hầu vẫn chưa phải
lớn, chưa đủ tuổi để được dự bàn việc nước. Lệnh của Quan gia đã ban
ra như vậy, Hầu không dám trái. Tuy thế, nhìn các vương, hầu trăm
quan nối nhau tiến vào hội nghị, Hầu vẫn tức điên người. Hầu bậm
môi, nắm tay. Lát sau, nhìn lại: quả cam vua cho đã nát lúc nào!
Hầu hậm hực rời Bình Than ra về. Nhưng rồi Hầu nghĩ: Quan
gia đã không cho Hầu cầm quân của triều đình, vậy Hầu mộ quân
lấy. Đằng nào thì cũng đánh giặc. Cứ đánh giỏi là được, là Quan gia
phải cho đi theo. Hầu bèn về ấp Trang Liệt (Từ Sơn, Hà Bắc) tập
hợp các đầy tớ và những người thân thuộc được hơn một nghìn người,
tự sắm sửa vũ khí, chiến thuyền chờ ngày giết giặc. Hầu lại cho
thêu một lá cờ lớn đề sáu chữ Phá cường địch, báo hoàng ân
làm
cờ hiệu riêng cho đội quân của mình.
Cuối tháng Chạp năm Giáp Thân (tháng 1-1285), quân Nguyên
Mông chia làm nhiều mũi xâm lược Đại Việt. Giặc đã bị chặn đánh
quyết liệt ở khắp nơi. Nhưng thế giặc mạnh, chúng vẫn ồ ạt tiến
mỗi lúc một sâu vào nước ta. Trong những ngày khó khăn ấy, đội
quân có lá cờ thêu sáu chữ do Trần Quốc Toản dẫn đầu đã xuất
hiện, đương đầu với giặc dữ, góp phần làm chậm bước tiến của quân
thù. Công lao và tài ba đó của Hoài Văn Hầu đã được Quan gia biết
đến. Chính vì thế, khi đại quân ta phải tạm rút vào Thanh Hoá, Hoài