ngô lúa tốt tươi. Nước non phong cảnh thật hữu tình. Đặng Xá lại nổi
tiếng là đất vũ nhạc. Những đêm trăng, gương treo đầu cành, trai
gái trong làng họp nhau hát múa. Tiếng trống bập bùng, tiếng
đờn khoan nhặt cầm nhịp cho điệu múa uyển chuyển, ứng hoà với
điệu hát thanh nhã. Trội nhất trong đám là một cô gái xinh đẹp nết
na, người làng quen gọi là Ả Đào (có sách chép tên là Đào Thị Huệ).
Đương khi thanh bình vui vẻ, thình lình một hôm giặc Minh kéo
về cắm đồn dựng trại. Giặc tung quân bắt người cướp của, tàn hại
cả cỏ cây gia súc. Đặng Xá bỗng chốc trở nên tiêu điều xơ xác. Đàn
ông trai tráng trong làng trôi nổi đi hết: họ đi tìm minh chúa để cứu
làng giữ nước. Chỉ còn đàn bà con gái ở lại. Biết Đặng Xá nổi danh
về ca múa, giặc bắt gái làng đánh đàn hát múa hầu rượu. Đùa bỡn
chán, say rượu, giặc đều chui vào túi màn ngủ, chỉ để một tên ở
ngoài thắt túi, xong thì ngồi canh gác. Chẳng là giặc sợ vùng ấy
lắm muỗi nên mới thế.
Dân Đặng Xá họp nhau lại bàn bạc. Một người khơi mào:
- Giặc Ngô đến cướp nước cướp làng. Nay phải đêm ngày đàn hát
hầu hạ chúng thì còn mặt mũi nào!
Có người nói:
- Đàn ông trai tráng bỏ vắng cả. Bọn ta là phận gái chân yếu tay
mềm biết xoay xở làm sao?
Bàn tính chưa ngã ngũ thì có một người lên tiếng nói:
- Tôi có cách!
Mọi người nhìn xem ai, hoá ra là Ả Đào. Ả Đào ra ngoài ngó trước
ngó sau, rồi vào vẫy mọi người lại nói cho nghe, bảo: “Cứ thế, cứ
thế!” Ai cũng hớn hở, gật đầu khen phải.