tặng Lim tấm ảnh. Tuần sau nữa chỉ mình Cường về tặng Lim cả một tờ bìa
tạp chí có ảnh của Lim cỡ to bằng thếp giấy học trò. Lim sướng tê người.
Lim bắt đầu mơ mộng. Thế rồi theo lời rủ rê của Cường, Lim để Cường lái
xe lên phố huyện. Nơi đó, tại một quán cà phê vườn đậm chất dân dã, Luân
đã đợi sẵn.
Dĩ nhiên, một người như Luân, hơn năm mươi tuổi, tóc muối tiêu, dẫu đi
hấp nhuộm vẫn lòi ra những chân tóc trắng lóe, làm sao có thể cưa kéo nổi
một thôn nữ trong trắng ngây thơ như Lim. Để bù lại sự thiếu hụt này, Luân
biết mình có một sức mạnh bất khả kháng. Ấy là ông ta đang có nhiều đô
la. Sang Mỹ gần ba mươi năm, số tiền ông ta kiếm được đủ sánh với các tỷ
phú trong nước, nhưng ông lại thiếu tình, thiếu tới mức hầu như trắng tay
sau ba cuộc tình với ba người đàn bà, trong đó có hai người đàn bà Việt,
một người đàn bà gốc Italia. Bởi thế, về Việt Nam lần này, Luân không
giấu giếm ông cháu họ cái ý định sẽ cưới một cô vợ trẻ bằng mọi giá và sẵn
sàng ở lại làm ăn ở Việt Nam. Biết được ý đồ đó của ông chú Việt kiều,
Cường liền nhảy vào giữ chân môi giới. Nếu đám ông chú Việt kiều với cô
thôn nữ Lim thành công thì chí ít Cường cũng có một chiếc Dream.
Và Cường đã lao vào "cuộc làm ăn" này với tất cả tài thao lược và thủ
đoạn nhà nghề. Đầu tiên Cường "hót" về ông chú Việt kiều như một ca sĩ
sành điệu hát những bài hát nhạc sến. Nào là ông chú là người Hà Nội gốc,
sang Mỹ ba mươi năm, có một nhà máy ba trăm công nhân, một xí nghiệp
chế biến thức ăn gia súc, năm tiệm cơm phở loại sang trọng chuyên phục
vụ giới thượng lưu người Việt ở Mỹ; rằng ông chú buồn vì không có con
trai để trao món gia tài kếch xù khi về già; rằng ông chú mê Lim ngay phút
đầu tiên khi nàng giặt bên cầu ao...
Mới đầu Lim nghe như một cô bé thích thú và tò mò nghe chuyện cổ
tích. Rồi sau Lim bắt đầu bị hấp dẫn bởi chiếc dây chuyền một cây vàng do
ông Việt kiều gửi tặng qua ông cháu. Dần dần Lim trở thành một cô bé mê
muội, bị dẫn dắt như bị bùa ngải, thôi miên.