Ông Tây nọ tròn mắt xua tay lia lịa: "Tao xin lỗi, vì nó bé và thấp quá, tao
cứ ngỡ nó còn trẻ con...".
Cả bọn ôm bụng cười đến muốn sặc cả thức ăn. Tiến sĩ Lê Cao giơ tay đề
nghị yên lặng:
- Như thế vẫn chưa có gì ngạc nhiên. Dù mấy chục năm nhưng tao vẫn là
tao, chứ khối đứa đổi họ thay tên đến không thể nhận ra. Chúng mày còn
nhớ thằng Nhặng không?
Mọi người nhao nhao:
- Sao lại không nhớ! Lớp 10A chúng ta có một bộ ẩm thực truyền thống
gồm bốn loại đặc sản là Tương, Diệu, Thủ, và... Nhặng. Một lần ra chơi,
họa sĩ Lê Cao vẽ trên bảng một cái thủ lợn, một chai rượu, một bát tương
và một con nhặng vo ve với chú thích: "Lớp 10A thân yêu của chúng tôi",
khiến có thằng cười đái cả ra quần. Thằng Đỗ Tương đi bộ đội suốt đời
binh nhất, phụ trách khâu cấp dưỡng, khi chuyển ngành lại đổi tên là Đỗ
Tướng, thằng Bùi Trọng Thủ viết báo cáo lấy bút danh là Bùi Trang Thư.
Tiến sĩ Lê Cao vỗ tay bồm bộp ra hiệu cho tất cả trật tự.
- Còn đồng chí Nhặng của chúng ta giờ đã trở thành đại tá. Hôm tao
xuống Hải Phòng họp thấy giới thiệu đại tá Nguyễn Văn Nhang, tao trố
mắt. Lúc lâu sau mới thốt kêu lên: "Thôi bỏ mẹ, thằng Nhặng phải
không?".
Cuộc rượu tưởng có thể nổ tung vì những tràng cười.
Bữa tiệc ở nhà Tình hôm ấy đánh dấu cuộc hội tụ của một thế hệ bạn bè
tứ tán phiêu bạt ba mươi nhăm năm. Cái lớp 10A ngày ấy trừ tám đứa hi
sinh ở chiến trường, sáu đứa ở lại quê sản xuất, còn lại bây giờ hầu hết đều
quây quần quanh Hà Nội. Và Tình, như một nhạc trưởng, như một Mạnh
Thường Quân, thường là người khởi xướng những cuộc gặp gỡ, những
chuyến pic-nic, những cuộc viếng thăm thầy cô và mái trường xưa...
* *