phải quát lên: "Cái bà này hay nhỉ. Cũng phải biết nể cái lòng tốt của chú
ấy một tí chứ. Bà không ở thì cho con Thoa. Thằng nào sau này làm rể tôi,
tôi cho hẳn quả đồi ấy làm của hồi môn". Gã đệ tử xoa tay sung sướng:
"Em sẽ làm giấy sang tên ngay cho cháu Bùi Kim Thoa. Báo cáo anh, được
anh chiếu cố thế này là em rất mãn nguyện..."
Cái gã đệ tử dâng đất để đổi lấy "côta" ấy, không ngờ sáu năm sau vào tù
về tội buôn lậu ti vi, tủ lạnh. Còn quả đồi hai héc ta gã biếu làm của hồi
môn cho Thoa, giờ đã có người vật nài xin mua với giá hơn một tỷ đồng.
"Ông nhà tôi, nếu không vướng tuổi, thì năm Tỵ vừa rồi có khi mà Trung
ương điều lên làm bộ trưởng, thứ trưởng - Sau vụ đất hồi môn này, bà
Thuần càng được dịp tâng bốc ông chồng lên mây xanh - Tôi chịu cái tầm
nhìn "sơ lược" của ông ấy. Mình nông dân mà không hiểu giá trị của đất.
Nếu không có ông ấy quyết, thì bây giờ con Thoa nhà tôi làm gì có khoản
hồi môn ba tỷ đồng".
Đáng lẽ nói là "chiến lược" thì bà Thuần nói "sơ lược" Đáng lẽ chỉ nên
nói một tỷ đồng thì bà nói vống lên ba tỷ. Những người tiếp xúc với bà
Thuần, ai cũng tưởng bà thật thà, bụng để ngoài da. Rất hiếm người hiểu
cái thâm ý "quảng bá" và "tiếp thị" cho ông chồng đầy mưu mẹo và cô con
gái đẹp cỡ Chung Vô Diệm của bà.
Buồn một nỗi là con gái ông Kha quá xấu. Ai đó độc mồm còn ví Thoa
như Thị Nở. Vì thế mấy năm nay bà Thuần lo phát sốt lên vì sợ con gái quá
lứa lỡ thì. Người hiểu rõ nỗi lo ấy của bà Thuần là ông Xung, quản gia
trông coi hai héc ta đất hồi môn của cô Thoa, ông anh rể của gã đệ tử dâng
đất cho ông Kha năm nào. Ông Xung vốn là bộ đội hậu cần thời chống Mỹ.
Mười bốn năm ở rừng Trường Sơn, ông chỉ có một việc duy nhất là xây
dựng các kho quân lương rồi ở miết trong rừng sâu đại ngàn để bảo vệ kho
lương ấy. Có một giai đoạn lâu đến bốn năm, Xung và hai đồng đội nữa
sống biệt lập giữa rừng. Tưởng như ba người lính và cái kho lương của họ
bị bỏ quên. Mãi đến khi máy bay Mỹ phát hiện ra, phóng rốc két và thả
bom na pan xuống cánh rừng, Xung lăn xả cứu kho, đến mức bị bỏng nặng.