rất thông minh và hiếu động. Thằng cao gầy, thằng béo mập, thằng đen sắt,
cô răng khểnh... đều là những học trò xuất sắc. Chúng đã đọc tiểu thuyết
"Nơi ta cất cánh" của ông một cách trôi chảy. Và kỳ lạ thay, không hiểu
bằng cách nào, bằng những con chữ kỳ diệu trong cuốn sách hay bằng
những tin đồn đại trong vùng, mà chúng hiểu rõ rằng tiểu thuyết "Nơi ta cất
cánh" chính là viết về vùng quê của chúng, viết về chị "Hồng câm", nhân
vật chính mà ông yêu mến. Bài "luận văn" đầu tiên chứng nhận trình độ
thoát nạn mù chữ của chúng là bức thư tập thể của chúng gửi cho nàng:
"Chị Hồng ơi. Đọc cuốn tiểu thuyết "Nơi ta cất cánh", chúng em mới biết
thầy giáo chúng em, nhà văn Minh Quang, đã viết về chị. Cứ hệt như hình
dáng chị ở ngoài đời. Sướng thế. Chị nói với thầy Minh Quang viết chúng
em vào một cuốn sách nào của thầy đi".
Suốt đêm, nàng đã ấp lá thư ấy vào ngực. Nàng nhớ và thương chị lắm.
Nàng thấy yêu những đứa trẻ. Từ nay chúng đã được hưởng cái quyền làm
người, quyền làm một độc giả bình thường của những nhà văn. Và riêng
nàng... ôi, lần đầu tiên ở tuổi ba mươi bảy, nàng thấy cháy bỏng một khát
vọng yêu...