về, xuống tới bến còn quay lại phân trần :
- Sao tự nhiên em qua đây lãng xẹt vậy không biết?
Cô cười giòn. Tôi có cảm giác cái cười níu chật vật làn nước mắt chực
rơi ra. Thì là người mà, có phải cây cỏ đâu. Phi không tiễn Thà mà ngồi
trên nhà gõ chén ca, giọng ca thêm rượu thần sầu.
“Ở ở... Ai xui mà con sáo nò sang sông cái nò sang sông. Cho nên mà
con sáo ở ở sổ lồng cái kìa bay xa cái kìa bay xa, cái lý em ở, cái lý chàng
đi...”.
Tôi xin thề với thiên thần thổ địa rằng chưa bao giờ được nghe một bài
Lý con sáo sang sông điệu Bạc Liêu đứt ruột như vậy. Nó mênh mang, sâu
rứt những nỗi nhớ thương từ tim, từ máu. Tôi buột miệng: “Thì mày đưa
con sáo của mày sang sông chớ ai”. Phi ngưng hát, miệng lầm bầm: “Chớ
bắt người ta chờ mình tới chừng nào”.
Dì Tư về. Có vẻ như dì về đã lâu. Bà hỏi: “Sao tự nhiên tụi bây nhậu
vậy?” mà không đợi chúng tôi trả lời, ngồi thừ rất lâu. Rồi bà kể chuyện
thằng em họ xa của Phi vì ghen tuông đâm chết người bị bắt lên trên huyện.
Bà chắt lưỡi: “Sao tụi trẻ bây giờ coi trọng chuyện trai gái vậy không biết”.
Phi quạt mạnh tay cho những bụi than hồng trong bàn ủi bay lên, tủm tỉm
cười: “Bà già muốn nhắn gởi tao đó”.
Chạng vạng, chúng tôi xuống xuồng qua sông. Dì Tư biết chúng tôi đi
đâu nhưng hỏi cho có :
- Con đi đâu vậy Phi?
Phi trả lời, giọng cố nghiêm túc :
- Con đi ca, má à!