Tôi mở tim nạn nhân ra rồi nói: "Tâm thất rất dày, hơn nữa, tim nạn
nhân cũng lớn hơn người bình thường. Tim của người bình thường thì chỉ
to bằng nấm đấm của chính họ, trong khi tim của nạn nhân lại to gấp rưỡi
thế."
"Cậu nghi ngờ là đột tử do bệnh tim?" Lâm Đào hỏi.
Tôi gật đầu. Điều tra viên bên cạnh bèn lên tiếng: "Hiểu rồi. Bây giờ,
tôi sẽ đi hỏi người nhà của Đào Tử xem cô bé có bệnh tim bẩm sinh hay
không."
"Được." Tôi đáp thật dõng dạc, muốn làm dịu bầu không khí căng
thẳng khi nãy. "Ngoài ra, hãy điều xe chuyển nội tạng của nạn nhân đến sở
Công an tỉnh gấp, tôi sẽ gọi điện cho bác sĩ Phương Tuấn, một chuyên gia
về bệnh lý học, nhờ anh ta quan sát tình trạng tim của nạn nhân, nhanh
chóng kiểm tra cấu trúc nội tạng của nạn nhân để xác nhận xem có bệnh
biến gì không?"
Nghiên cứu bệnh lý học tức là cắt lát cơ quan nội tạng, sau đó quan sát
hình thái của tế bào và mô dưới kính hiển vi. Bệnh lý học được vận dụng
trong pháp y học được gọi là bệnh lý học pháp y. Đây là một trong những
phương pháp chủ yếu để phán đoán nạn nhân có bệnh tật ở cơ quan nội
tạng hay không. Phương pháp này phải dùng Formaldehyde cố định nội
tạng, sau đó rút nước, bọc lại, cắt lát, nhuộm màu, rồi mới có thể quan sát
dưới kính hiển vi, vì vậy nên mất rất nhiều thời gian.
"Còn chúng ta," tôi vươn vai, "quay về chờ tin thôi."