thôi đợi đến mai nói sau vậy.
Tôi vui mừng, không phải là do nỗi oan khuất của tôi sắp sửa được rũ
bỏ, mà bởi vì ngọn núi đang đè nặng lên tâm trí toàn bộ cảnh sát trong tổ
chuyên án cuối cùng cũng đã le lói chút hy vọng được giải thoát, chỉ nhờ
việc đọc lại ngẫu nhiên một hồ sơ vụ án.
Do quá mệt mỏi, tôi nằm xuống dãy ghế liền trong phòng tư liệu ngủ
thiếp đi lúc nào không hay.
Vừa tỉnh giấc, tôi lập tức gọi điện cho Đại Bảo và Lâm Đào, kể lại với
họ về phát hiện của tôi trong tập hồ sơ hôm qua. Lâm Đào không giấu nổi
niềm hưng phấn, còn Đại Bảo thì ngây ngô hỏi lại: "Nghĩa là sao?"
Rồi Lâm Đào và Đại Bảo vội vã đến ngay tổ chuyên án của chuyên án
Ba Sáu, kịp thời báo cáo lại phát hiện này cho tổ chuyên án, đồng thời đưa
ra yêu cầu lấy những vật chứng có liên quan trong vụ án vứt xác trẻ sơ sinh,
nhanh chóng đưa về sở Công an tỉnh để xét nghiệm ADN.
Sau khi chuyển vật chứng đi rồi, Lâm Đào và Đại Bảo vội vã đến
phòng tư liệu, cùng tôi nghiên cứu hồ sơ.
"Cho dù có biết được ADN của nghi phạm thì cũng có tác dụng gì?"
Đại Bảo nói. "Thành phố Long Phiên hàng chục triệu nhân khẩu, làm sao
mà điều tra được? Bình thường muốn điều tra so sánh ADN của một xã chỉ
mấy nghìn người đã là bất khả thi, huống hồ là cả một thành phố tỉnh lỵ?"
"Không thể dùng ADN làm căn cứ điều tra." Tôi nói, "ADN chỉ là một
căn cứ để sàng lọc. Xét nghiệm một mẫu ADN phải mất đến hơn trăm tệ
đấy."
"Thế mới nói," Đại Bảo nói, "việc chúng ta cần giải quyết hiện giờ là
làm thế nào để nhanh chóng tìm được nơi ẩn nấp của nghi phạm, hoặc phát
hiện ra nơi hắn thường lui tới."