những bầy tôi trung thành nhất, những người tri kỷ tâm đắc nhất, những
người sủng ái thân quý nhất của mình. Giống như những kẻ khốn khổ ấy
được phú cho một thiên tư bi thảm, nàng chỉ đem bất hạnh đến cho tất cả
những gì nàng tiếp xúc. Tình bạn bè của nàng là một dấu hiệu định mệnh
dẫn đến sự ngược đãi. Bà De Chevreuse và bà De Vernel bị lưu đày. Cuối
cùng ông La Porte cũng không giấu nữ chủ nhân của mình ông vẫn đợi
trước sau gì cũng bị bắt. Chính lúc nàng đang đắm chìm trong những ý nghĩ
sâu xa nhất và u ám nhất ấy thì cửa phòng mở và Nhà Vua đi vào.
Người đọc sách im ngay tức khắc, tất cả các bà đều đứng dậy, căn phòng
im phăng phắc. Còn Nhà Vua, ông không hề có một biểu hiện lịch sự nào,
mà chỉ dừng lại trước Hoàng Hậu và lạc giọng nói:
— Thưa bà, bà sắp được ông Chánh Án Tối Cao
thông báo với bà một số công việc mà tôi đã ủy nhiệm cho ông đó.
Bà Hoàng Hậu khốn khổ, mà người ta không ngừng đe dọa ly dị, lưu đầy
và cả xét xử, tái mặt đi dưới lớp phấn hồng và không ngăn nổi nói ra:
— Nhưng tại sao lại có cuộc thăm viếng đó, tâu Hoàng Thượng? Ông
Chánh Án Tối Cao sẽ nói với tôi điều gì mà Hoàng Thượng không thể tự
mình nói với tôi được?
Nhà Vua quay gót không trả lời, và hầu như cùng lúc đó, đại úy quân cận
vệ, ông De Guitaut thông báo cuộc viếng thăm của ông Chánh Án Tối Cao.
Khi ông ta hiện ra thì Nhà Vua đã ra khỏi bằng một cửa khác. Viên chánh
án đi vào, nửa tươi cười nửa ngượng ngùng. Vì có thể chúng ta sẽ lại thấy
ông trong câu chuyện này, không có gì đáng ngại để ngay từ bây giờ làm
quen với ông ta.
Viên chánh án là một con người kỳ dị. Chính ông De Roches Le Masle,
giáo chức ở nhà thờ Đức Bà, trước kia từng là hầu phòng cho Giáo Chủ, đã
tiến cử ông ta với Đức Ông như một con người hết mực trung thành. Giáo
Chủ tin cậy ngay và thấy rất hài lòng. Người ta kể về ông ta nhiều chuyện
trong đó có những chuyện sau: Sau một thời trai trẻ phong ba, ông ta rút lui
vào một tu viện để ăn năn hối lỗi, ít nhất trong một khoảng thời gian nào
đó, về những thói điên rồ của tuổi thanh xuân. Nhưng vào nơi đất thánh, kẻ