tai Mazarin ninh nhừ, nghe mà rùng mình. Quan Tể Tướng biết tường tận
mọi chuyện diễn ra ở Vincennes, nhưng đành tảng lờ, lấy mũ nỉ che tai.
Một hôm, ông De Beaufort tập hợp bọn lính canh lại, và mặc dầu cái tật
diễn đạt khó khăn của mình đã trở thành truyền thuyết, ông đọc một bài
diễn văn đã được chuẩn bị trước, thực vậy, ông nói:
— Hỡi các ông, lẽ nào các ông cam lòng nhìn một người cháu nội của
đức minh quân Henri IV bị người ta trút lên đầu những lăng mạ và kỷ nhục
(ý ông định nói sỉ nhục)? Mẹ kiếp chứ! Như ông nội tôi thường nói, hầu
như tôi đã trị vì ở Paris, các ông biết chứ. Trong suốt một ngày tôi trông coi
Vua và Hoàng Đệ. Hoàng Hậu lúc ấy mơn trớn tôi và gọi tôi là con người
trung thực nhất vương quốc; tôi sẽ đi đến cung Louvre, tôi sẽ vặn cổ lão
Mazarin, các vị sẽ là người hộ vệ của tôi, tôi sẽ phong tất cả các vị là sĩ
quan và cấp bổng lộc khá. Mẹ kiếp chứ! Đi đằng trước, bước.
Nhưng dù có thống thiết đến mấy, bài diễn thuyết của cháu nội Vua
Henri IV chẳng hề làm xúc động những quả tim bằng đá; không một tên
nào nhúc nhích. Thấy thế, ông De Beaufort bảo chúng là đồ đê tiện và coi
chúng là những kẻ thù tàn ác.
Hằng tuần De Chavigny đến thăm Quận Công vài ba lần; đôi khi ông
Quận Công lợi dụng lúc ấy để dọa dẫm.
— Này ông, - Quận Công nói, - nếu như một ngày kia, ông trông thấy
một đội quân người Paris mình đầy giáp sắt và tua tủa súng ống đến để giải
thoát cho tôi thì ông sẽ làm gì?
— Thưa Đức Ông, - Chavigny vừa đáp vừa cúi rạp mình chào Ông
Hoàng, - tôi có hai chục khẩu đại bác đặt trên các thành lũy và ba mươi
ngàn quả đạn đặt trong các hầm hào; tôi sẽ bắn phá họ ra tro.
— Phải, nhưng mà khi ông bắn được ba chục ngàn phát, thì họ đã chiếm
được cái tháp lâu đài, và khi tháp bị chiếm, tôi buộc lòng phải để mặc họ
treo cổ ông, và hẳn là tôi rất lấy làm phiền lòng.
Và đến lượt mình, Hoàng Thân chào De Chavigny một cách lịch sự nhất.
— Nhưng thưa Đức Ông, - Chavigny lại nói, - về phía tôi, tôi thấy tên
phản loạn đầu tiên nào bước qua ngưỡng cửa đường hào hoặc đặt chân lên