tại trên giấy tờ, từ sự phát triển thị trường bất động sản đến độ an toàn thực
phẩm - một điếu thuốc đánh rơi là đốt cháy hết.
Thứ tư, gu thẩm mỹ của các em rất tốt. Gu thẩm mỹ, trong bất cứ lĩnh
vực nào, không phải điều tự nhiên mà có. Đó là kết quả của nhiều năm tìm
hiểu và làm thử, biết vì sao một kiểu thiết kế nhìn đẹp, một kiểu nhìn xấu -
rồi biết làm sao để kiểu nhìn xấu trở thành kiểu nhìn đẹp năm tới. Thiết kế
quần áo, sửa lại quán trà, kể cả việc chụp hình hotgirl, hotboy cũng là một
kỹ năng gồm nhiều yếu tố phức tạp không phải ai cũng làm được.
Thứ năm, các em biết nói đùa. Ở Việt Nam, nhận xét về văn hóa là việc
rủi ro. Không phải do môi trường pháp luật hay quá trình kiểm duyệt - hai
điều đó có nhiều chuyện để nói nhưng điều tôi sợ nhất không phải cái bút
của người kiểm duyệt mà cái miệng của người đọc. Lòng tự ái. Nhiều người
khó phân biệt thế nào là bài nói vui (châm biếm, chơi văn), thế nào là bài
nghiêm túc nói lên đúng quan điểm của tác giả.
Với họ, kịch hài nào cũng phải có chữ “Cười” trong tên, tin nhắn trêu
ghẹo nào cũng phải có mặt cười, bài viết châm biếm nào cũng phải có bức
tranh biếm họa. Không thì nhầm. Nhầm thì giận. Người của công chúng nào
cũng đều hiểu về sự rủi ro xuất phát từ lòng tự ái của khán giả, độc giả,
thính giả hoặc bất cứ giả nào khác là giả của Việt Nam.
“Tôi viết truyện một con chó mực. Tôi thề rằng: quả thật đó chỉ là truyện
một con chó mực. Nhưng truyện vừa in ra thì tôi gặp một thằng say. Hắn
trợn mắt lên. Mặt hắn đỏ ngầu ngầu. Hắn lè nhè hỏi tôi: Sao lại bảo hắn là
con chó. Rồi hắn chửi cho tôi một mẻ vuốt mặt không kịp.
Tôi ức quá. Nhưng rồi tôi lại cười. Tôi lẳng lặng về nhà, lấy giấy bút viết
truyện một thằng say rượu.”
(Nam Cao, Những truyện không muốn nói)
Tôi nghĩ Nam Cao sẽ thích các em 9X. Các em biết thế nào là chó mực,
thế nào là xúc phạm. (Thế nào là cả hai.) Tôi vẫn nhớ cách đây mấy năm