kỹ lưỡng: lúc này đúng là thời cơ đã đến. Pháp đang gặp khó khăn từ hai
phía. Bên chánh quốc thì bị Đức lăm le xâm chiếm. Còn ở Đông Dương thì
Nhật cũng thập thò toan nhảy vô. Đây là cơ hội ngàn năm một thuở đó các
anh.
Lại có người hỏi trống:
- Mấy anh làm cách mạng nói hay lắm, nhưng có gan ra trận hay ngồi tù
như bọn này không?
Không khí bỗng trở nên ồn ào. Từng nhóm xì xào với nhau: Kế một người
đứng lên xin nói. Hai Vĩnh đã để ý người này ngay từ đầu. Ông ta sồn sồn,
có cặp mắt đỏ, bộ tướng hầm hừ, đi đâu cũng không quên cây “xà búp”:
- Tôi là Năm Chảng, vô ra Khám Lớn như đi chợ. Tôi nhớ có lần được nhốt
chung với mấy ông “pôlitic” Hình như tôi đã gặp quới nhơn này tại “xoa-
xăng- nớp La-răn-đe” (69 Lagrandière). Tôi nhìn nhận các ông “pôlitic”
gan lì hơn anh em giang hồ mình. Tụi mình ở ngoài nói nghe ngon lành,
chẳng hạn như: “chừng nào cầu sắt khai thì tụi tao mới khai”. Vậy mà vô
trong đó, chịu mới được vài chập, tới màn đi tàu lặn hoặc đi máy bay là
khai tới ông bà, ông vải… Còn tôi thấy một ông “pôlitic” bị đánh, đầu mềm
như trái dưa vẫn nhất định không hé môi.
Chờ tất cả im lặng, ông Tám Mạnh đứng lên:
- Quới nhân đã tỏ bày mọi việc. Tụi bây nghĩ sao?
Ông Tám nhìn Tư Phương như hỏi ý. Mọi người hồi hộp chờ đợi. Tư
Phương là tướng cướp khét tiếng từng chặn đường cướp cặp da đựng tiền
lương của tên cò Ba-tai ở Nhà Bè.
Tư Phương gật gù:
- Anh sao thì tụi tui vậy!
Ông Tám vui mừng:
- Tao thấy tâm đồng ý hiệp. Tụi bây phải nghe tao.
Bà Tám đứng tựa cửa sau lắng nghe nãy giờ nói nhỏ với mấy người ngồi
gần:
- Mấy ông làm quốc sự, có khiếu ăn nói, nghe hay quá! Các ông mà nói thì
kiến trong hang cũng bò ra!
Ông Tám nghe vợ nói bật cười: