giờ nào rút ra. Khi tấn công, chiến lợi phẩm cũng được phân ra rành rẽ, thứ
nào đem xuống ghe mang đi, thứ nào ném ra đường cho dân nghèo. Nếu
Bảy Viễn là tướng cướp hào hoa nặng mùi kiếm hiệp thì Mười Trí là tướng
cướp thiên về chiến thuật quân sự.
Mười Trí 4 lần bị đày Côn Đảo, 4 lần trốn về đất liền bằng bè. Với tiền cất
giấu, y mua chuộc thầy chú ở Sở Củi nhắm mắt cho đám tù lên núi vô rừng
bứt mây đan bè bện bao bố trét chai.
Mười Trí và Bảy Viễn quen biết nhau từ ngày Bảy Viễn tự xưng anh chị ở
trường đua. Sau cùng, cả hai lại gặp nhau tại Bến Tranh, dưới lốt cờ bạc để
đánh lạc hướng đội “rờ-sẹt” Sài Gòn. Trong cuộc “ráp” vừa qua, cả hai đều
sa lưới. Đề nghị nên nhốt riêng vì hai tên cướp lợi hại này mà liên kết lại
thì trở thành lực lượng đáng ngại…
Ếch-teo nhìn lại lần nữa bức ảnh Mười Trí, gật gù: “Thằng này có thể trở
thành một nhà chiến thuật đây. Cần nhốt kỹ”. Chụp cây bút đỏ, hắn phê trên
đầu hồ sơ: “Rất nguy hiểm. Đưa ra Côn Đảo, nhốt cátsô cẩn thận”.
Xem xong hai tập hồ sơ, Ếch-teo thấm mệt. Hắn bước ra cửa sổ. Từ pháp-
đình Sài Gòn nhìn sang Khám Lớn chỉ cách một con đường La-răn-đie
(Lagrandière). Bỗng hắn bật cười khan:
- Thằng cha nào thiết kế thành phố Sài Gòn này chơi xỏ nước Pháp! Ai lại
xây Khám Lớn giữa trung tâm thành phố, sát bên dinh Toàn quyền và dinh
Thống đốc Nam kỳ? Đúng là chửi cha nền văn minh Đại Pháp!”.
Chú thích:
(1) Cercle Sportif Saigonnais (CSS) nhà xẹc, Tây tới chơi thể thao - nay là
Tao Đàn