Góc đường Lê Lai, quận 1 có một rạp hát khá nổi tiếng là rạp Aristo.
Năm 1954, gánh hát Kim Chung của ông bầu Long di cư vào Nam, lấy rạp
Aristo làm đại bản doanh. Ăn theo gánh hát, những trục đường như Lê Lai,
Gia Long (nay là Lý Tự Trọng), Nguyễn Văn Tráng… quán ăn, hàng giải
khát nổi lên khá náo nhiệt, đồng thời cũng kéo theo không ít dân trộm cắp,
móc túi, trẻ bán báo, đánh giày qui tụ. Khu vực này lại gần chợ Bến Thành
và ga Sài Gòn. Mỗi lần “móc đổng” (giật đồng hồ), “ăn kẹp” (móc túi)
ngoài chợ xong, đám lưu manh thường chạy ngay về khu Lê Lai để trốn
tránh. Tam giác Lê Lai - Nguyễn Văn Tráng - Gia Long nhanh chóng trở
thành một mảnh đất màu mỡ để hứng hàng ăn cắp, móc túi bán giá rẻ và tổ
chức các loại dịch vụ như sòng bài, động chích, tiệm hút, gái… cho đám cô
hồn các đảng này ăn khao bằng tiền trộm cướp. Cùng với hai tay anh chị
khác là Ngô Văn Cái và Nguyễn Kế Thế, Huỳnh Tỳ với kinh nghiệm “du
thủ du thực” học được trên những chuyến xe đò đường trường đã đứng ra
nhận bảo kê toàn bộ các dịch vụ nhám nhúa này. Thằng lơ xe cục tính
nhanh chóng ngoi lên vị trí ông trùm, sau hàng loạt những vụ chém lộn
tưng bừng với các băng đảng khác. Ngoài Ngô Văn Cái và Ba Thế, dưới
trướng Huỳnh Tỳ còn có thêm một loạt đàn em khác như Cu Ba đen, Tâm
vồ, Hùng phốc, Luân sún… Trong gánh hát, bầu Long cũng thu dụng một
loạt tay đao búa từng nổi tiếng một thời tại Hà Nội để làm chân bảo vệ.
Đám này gồm Sinh càn, Phúc đen, Tâm Ba tai… Ngoài giờ bảo vệ, bọn
chúng thường tụ tập tại quán Kiều Chánh cạnh rạp Aristo. Ngứa mắt,
Huỳnh Tỳ và đàn em đã gây nhiều trận đập lộn tóe lửa với đám bảo vệ này.
Để yên thân, bầu Long đã khôn khéo đãi tiệc dàn hòa hai bên, thu dụng
luôn cả băng của Huỳnh Tỳ, chấp nhận đặt các ông tướng gốc Hà Nội vào
dưới trướng của y, đồng thời để cho Huỳnh Tỳ và đàn em ra vào rạp Aristo
tùy thích.
Khi quân đã hùng, tướng đã mạnh, nội các tam đầu chế gồm Tỳ, Cái,
Thế thường tụ nhau bia rượu, bài bạc suốt ngày tại rạp hát Aristo cho nên
được giang hồ gọi luôn là băng Aristo để phân biệt với băng Cathay do Lê