đã khắc sâu vào đáy trái tim bà. Chỉ riêng điều đó thôi, với bà Ngọc Nữ
cũng đã là tất cả.
Đáng tiếc, hiểu ra thì đã muộn. Người cha mà trong đời bà chưa một lần
được gọi tiếng cha đã hóa người thiên cổ, tất cả còn lại chỉ là những giọt
nước mắt tiếc nuối.
Không chịu đựng được nỗi dày vò, ngay sau khi đọc xong loạt bài trên
báo, bà Ngọc Nữ đã vội bay ngay về Việt Nam để tìm gặp cho bằng được
chúng tôi. Qua một người cháu họ - chị Hạnh, nhân viên tín dụng của Ngân
hàng Vietcombank - bà Ngọc Nữ đã nhất quyết mời cho bằng được tác giả
bài báo tới nhà để bà có thể nói một tiếng cảm ơn, đồng thời để được chia
sẻ niềm hạnh phúc được thừa nhận có cha, cho dù hạnh phúc ấy đến với bà
đã quá muộn màng.
Dĩ nhiên, là một người cầm bút, không ai có thể thờ ơ với số phận nhân
vật của mình. Tôi đã thật sự cảm thấy hạnh phúc khi được trao lại cho bà
Ngọc Nữ toàn bộ những hiểu biết, hình ảnh… về Sơn Vương mà tôi đã thu
thập được. Không ai xứng đáng giữ những kỉ niệm về một người cha hơn
chính một người con. Với tôi, được làm dấu gạch nối cho cuộc chuyển giao
đầy ý nghĩa này thật sự là một duyên hạnh ngộ vượt ngoài mong đợi của
nghề cầm bút.
Bà Ngọc Nữ cũng không giấu được nỗi xúc động và những giọt nước
mắt lăn dài. Lần giở cuốn sổ tay ố vàng chép đầy cả trăm bài thơ, những lần
trò chuyện trong tâm tưởng với vong linh tướng Nguyễn Bình, bà khoe với
tôi cả một xấp hình ảnh, thư từ của Sơn Vương mà bà vẫn kẹp ở giữa, được
cất giữ cẩn thận suốt mấy chục năm qua. Giữa bề bộn những trang giấy cũ
đã đổi màu ấy, tôi nhìn thấy còn có những bản sao giấy chứng minh nhân
dân, vài trang bản thảo, một số hình ảnh giấy tờ của Sơn Vương, dăm ba
trang báo mà ông là tác giả được cắt rời, thậm chí còn có cả một bản sao tờ
phán quyết ly hôn của ông với người vợ thứ ba nữa. Bất cứ thứ gì có liên
quan đến người cha, bà Ngọc Nữ đều cóp nhặt, gìn giữ lại như những kỷ
vật. Những trang giấy cũ kia với bà là cả một gia tài. Run run lần giở từng
mảnh nhỏ, bà khóc.