nhà văn kiêm tướng cướp Sơn Vương lừng lẫy một thời sẽ được đưa về Sài
Gòn để làm nhân chứng cho một phiên tòa. Đến lúc này, người mẹ của
Ngọc Nữ mới cho cô hay Sơn Vương chính là cha đẻ của cô. Chưa kịp
mừng vì biết tin cha còn sống, lại biết thêm rằng ông từng là một nhà văn,
Trương Ngọc Nữ đã cảm thấy choáng váng và xấu hổ khi phải nhìn nhận
mình có một người cha là tên cướp lừng danh. Nhưng tình máu mủ thiêng
liêng đã trở thành sự thôi thúc mãnh liệt và không thể cưỡng. Nhờ sự tháo
vát của người chồng chưa cưới, Ngọc Nữ đã xin vào được tận buồng giam
để lần đầu tiên được biết mặt cha. Tất cả chỉ hai lần gặp mặt, mỗi lần 30
phút. Nước mắt mừng tủi của cuộc hạnh ngộ trùng phùng không san bằng
hết được khoảng cách giữa hai cha con. Trừ những người trong nhà, Ngọc
Nữ không hề kể cho ai nghe về cuộc gặp gỡ. Trong nhà tù, dù rất muốn, họ
vẫn không hề gọi nhau bằng hai tiếng cha, con, chỉ gọi nhau bằng chú,
cháu. Sơn Vương xấu hổ không dám xưng cha bởi với con gái ông không
hề có ơn dưỡng dục. Ngọc Nữ thì cố chấp không chịu thừa nhận một tướng
cướp là cha.
Tình trạng dùng dằng này tiếp tục tái diễn khi Sơn Vương được trả tự do
vào năm 1968. Ra tù, Sơn Vương không về sống chung với vợ con mà tiếp
tục số phận ăn quán ngủ đình. Vợ cũ của ông, mẹ của Ngọc Nữ đã mất,
giữa hai cha con mối ràng buộc máu mủ cũng không làm mặn nồng hơn
những tình cảm trước ngày gặp mặt nhau. Đôi lúc, có viếng thăm hay vô
tình gặp gỡ, hai cha con vẫn cương quyết giữ cách xưng hô chú, cháu. Sơn
Vương thỉnh thoảng cũng có viết cho con gái mấy dòng thư, chủ yếu để
giải thích chuyện này chuyện nọ hoặc bày tỏ sự nuối tiếc với con gái. Cũng
có khi ông gửi cho con gái một vài bức ảnh của mình nhưng lời đề tặng ở
mặt sau lại cố tình ghi chệch đi là “Tặng cháu Ngọc Nữ, theo yêu cầu của
cháu” hoặc một lý do gì đó tương tự, cố xóa đi mọi vết tích có thể gúp nhận
diện mối quan hệ cha con. Hầu như Ngọc Nữ chẳng bao giờ trả lời thư ông.
Nhưng không hiểu sao, tất cả mọi lá thư ấy cô đều cất giữ rất kỹ càng. Có
lẽ, dù có bộc lộ hay không thì tình cha con cũng là điều có thật và không
thể chối bỏ.