hóa thành ngưỡng mộ trong lòng cô đối với Nguyễn Bình - vị tướng oai
hùng và cũng rất hào hoa. Vì thế, trước những lời ngỏ ý gần xa của các anh
Vệ quốc đoàn, cán bộ kháng chiến cùng cơ quan hay những người vì công
tác thường có dịp ghé ngang khu bộ, cô gái trẻ vẫn không hề lay động. Tất
cả tâm trí, tình cảm, cô dành hết để nghĩ về một người, không ai khác chính
là vị tướng lớn hơn cô 15 tuổi. Dĩ nhiên, tướng Nguyễn Bình không khó gì
mà không nhận ra tấm ân tình mà cô gái trẻ dành trọn cho ông. Trong thâm
tâm, vị tướng cũng hết mực cảm mến, thường tỏ ra đặc biệt quan tâm chăm
sóc cô nhân viên xinh đẹp. Không biết từ bao giờ, từ chú cháu, hai người đã
đổi sang gọi anh, em trìu mến. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở mức độ đó, bởi
tướng Nguyễn Bình lúc đó đã có gia đình.
Mối tình câm của cô học sinh thành thị bỏ nhà theo kháng chiến đang
vào hồi vô vọng thì Ngọc Nữ nhận được hung tin: tướng Nguyễn Bình hy
sinh khi trên đường ra Bắc công tác. Thương nhớ đã khiến lòng cô hóa đá.
Từ đó, cô bỏ ngoài tai tất cả mọi lời ong bướm của không biết bao nhiều
chàng trai ngưỡng mộ, chỉ khư khư giữ trong lòng mình một hình bóng
Nguyễn Bình mà không hề thổ lộ cùng ai. Thỉnh thoảng, để nguôi ngoai
thương nhớ, cô lại len lén bày ra một trò mê tín: cầu cơ. Cô tin rằng đó là
cách duy nhất để cô có thể tự do được trò chuyện, thổ lộ tâm tình với vị
tướng đã khuất mà cô hằng yêu trộm nhớ thầm. Nhiều năm trôi qua, gia tài
quí nhất mà cô giữ khư khư - đến tận ngày nay - là cuốn sổ dày chép lại
hàng trăm bài thơ - “biên bản” những lần trò chuyện bằng cách cầu cơ giữa
cô với linh hồn đã khuất của tướng Nguyễn Bình. Không nói thì ai cũng
biết, trong những bài thơ ấy, cô cứ mãi là một Trương Ngọc Nữ vĩnh viễn
17 tuổi.
• • •
Năm 1964, khi tuổi thanh xuân đã sắp trôi qua hết, cô mới chịu lập gia
đình. Chồng sắp cưới của cô là một kỹ sư hàng không dân dụng làm việc
tại phi trường Tân Sơn Nhất. Ngày cưới sắp đến thì báo chí Sài Gòn đua
nhau đăng tin: Tội nhân chung thân cấm cố khổ sai Trương Văn Thoại, tức