Sơn Vương đã trót phải lòng một cô hàng xén. Buổi sáng, cứ đúng giờ Sơn
Vương dậy chạy thể dục, luyện công thì đầu xóm, cô thôn nữ cũng dậy sớm
để dọn hàng. Thói quen giờ giấc đã xui họ gặp gỡ, phải lòng nhau và lén lút
ăn ở với nhau. Trót đa mang một kiếp giang hồ rày đây mai đó, Sơn Vương
không lưu lại lâu dài nơi xóm vắng. Ngày rời đi, Sơn Vương không hề chia
tay với người yêu, cũng chẳng có lấy một lời thề hẹn hay nhắn nhủ. Thói
mai quán chiều lều đã khiến Sơn Vương không hề biết rằng có một giọt
máu của anh đang hoài thai trong lòng cô thôn nữ. Khi cô hàng xén trở dạ
sinh được một bé gái kháu khỉnh thì Sơn Vương đã bặt tăm cá nước chim
trời, không một lần lai hồ cố thổ. Một mình Sơn Vương vô tình nhưng cô
thôn nữ thì không. Dù gã người tình không hề quay trở lại, cô vẫn lấy họ
của anh để đặt cho con gái cái tên Trương Ngọc Nữ.
Ngọc Nữ càng lớn càng xinh đẹp, giống cha như đúc, được ăn học tử tế
đàng hoàng. Sau này, qua lời mẹ kể, cô biết mình có một người cha phiêu
bạt từ lâu nhưng hiện ở phương nào thì cô chịu chết. Ngoại trừ cái tên
Trương Văn Thoại, cô không biết gì thêm về cha đẻ của mình.
Năm 17 tuổi, Ngọc Nữ bỏ nhà vào bưng theo kháng chiến. Nhờ có học
thức, cô nhanh chóng trở thành thư ký của ủy ban Hành chính kháng chiến
Nam Bộ, sau đó trở thành thư ký riêng của trung tướng độc nhãn Nguyễn
Bình. Thời gian đầu, cô gái trẻ gọi vị tướng bằng chú, không hay biết chú
Bình chính là người em kết nghĩa Nguyễn Phương Thảo thời trai trẻ của
cha mình. Tướng Nguyễn Bình cũng không mảy may nghĩ đến việc cô thư
ký trẻ trung xinh đẹp cạnh mình lại chính là giọt máu rơi của người anh kết
nghĩa Sơn Vương. Thời kháng chiến, việc nước ngập đầu, không phải lúc
nào người ta cũng có thời gian để nhận ra một mối duyên riêng tư kỳ ngộ,
dù nó vẫn tồn tại ngay bên cạnh. Trong những lúc trò chuyện hiếm hoi, cả
hai chú cháu cũng chưa bao giờ nhắc đến Sơn Vương.
Có thể coi cô gái Trương Ngọc Nữ là một hình mẫu của típ sinh viên học
sinh Sài Gòn xếp bút nghiên theo kháng chiến, đến với cuộc đấu tranh của
cả dân tộc bằng cả bầu nhiệt huyết lẫn sự ngây thơ lãng mạn. Sự khắc
nghiệt của chiến tranh không hề làm giảm mà ngày một tăng sự kính phục