lan rộng. Trong trường hợp xấu nhất, quân đội sẽ được sử dụng chống
lại những người nổi loạn.
– Tóm lại, vấn đề rất đơn giản, Trần Bá nói. Liệu có còn một giải
pháp nào khác ngoài cách đàn áp mù quáng không? Câu trả lời nằm
ngay trong câu hỏi. Có một giải pháp, nhưng nó đòi hỏi các nhà lãnh
đạo Trung Quốc phải đổi mới tư duy sâu sắc. Phải triển khai nhiều
chiến lược. Nhưng, các vị thính giả kính mến, trên thực tế các bước
chuẩn bị đã được bắt đầu, dù nhìn bề ngoài không phải như vậy.
Cho đến lúc này ông mới chỉ nói về Trung Quốc, về lịch sử và hiện
tại. Bây giờ, khi đã bước sang giờ thứ ba, ông rời Trung Quốc, vượt xa
biên giới của đất nước, ông nói đến tương lai.
– Chúng ta sẽ đi đến một châu lục khác, ông nói. Đến châu Phi.
Trong cuộc chiến nhằm đáp ứng nhu cầu của chúng ta về nguyên liệu
thô, đặc biệt là dầu mỏ, trong những năm qua chúng ta đã xây dựng
được những mối quan hệ càng ngày càng sâu sắc hơn với rất nhiều
nước châu Phi. Chúng ta đã dành cho họ nhiều khoản vay tín dụng và
quà tặng, mà không hề can thiệp vào nền chính trị của những quốc gia
này. Chúng ta trung lập và làm ăn buôn bán với tất cả, dù đó là
Zimbabwe, Malawi, Sudan hay Angola. Cũng giống như chúng ta đã
bác bỏ mọi sự can thiệp từ bên ngoài vào tình hình nội bộ và hệ thống
pháp lý của chúng ta, chúng ta công nhận những nước này là quốc gia
độc lập, chúng ta không có quyền can thiệp vào cách tổ chức xã hội
của họ. Làm như vậy chúng ta vấp phải nhiều chỉ trích, nhưng những
thứ đó không phương hại gì đến chúng ta, bởi chúng ta biết rằng trong
đó ẩn chứa lòng ghen tị và nỗi sợ hãi: Trung Quốc không còn là bức
tượng đất sét khổng lồ mà từ lâu nay Mỹ và Nga vẫn hình dung. Ở
phương Tây, người ta không muốn thừa nhận rằng các dân tộc châu
Phi mong muốn hợp tác với chúng ta hơn. Trung Quốc chưa bao giờ
áp bức họ, biến đất của họ thành thuộc địa của mình. Ngược lại, chúng
ta đứng bên họ khi họ bắt đầu tự giải phóng vào những năm 1950. Vì