như chị đã bàn với Nguyệt. Không thể để cô Kim Thanh lộng hành, gây
mất đoàn kết nội bộ ta mãi được. Làm du lịch không nghĩ tới việc phục vụ
khách, chỉ lo đi buôn chia lãi với nhau thì gay. Cô trẻ và thẳng thắn, cô phải
phát biểu trước”. Ông Phạm Lẫm chẹp miệng, như ăn dong riềng bảo:
“Mấy năm nay tôi bị vô hiệu hoá không chỉ ở khách sạn mà cả ở hãng, ở
tổng cục, tiếng nói của tôi không có trọng lượng. Sự tình khách sạn, tôi đã
nói hết với cô rồi đấy. Tôi cứ phải nhịn cô Kim Thanh như nhịn cơm sống.
Cô ấy cậy thế ông Sùng nâng đỡ chẳng coi tôi ra gì. Chỉ có cô nói là khách
quan. Đừng có giấu giếm gì hết”.
Nguyệt đã trình bày toàn bộ sự việc mà chị đã biết xung quanh những vụ
buôn bán ở khách sạn Hà Thành, có ngày tháng và số liệu chi tiết từng vụ
việc. Cuối cùng, chị nói:
- Tôi đã suy nghĩ, cân nhắc kỹ trước khi báo cáo toàn bộ vụ việc với ban
giám đốc và đảng uỷ hãng. Nếu là một vài khuyết điểm nhỏ thuộc về tác
phong lãnh đạo hoặc phương pháp tổ chức, chắc chắn chúng tôi sẽ bảo
nhau để sửa chữa được. Nhưng đây là một ý đồ, một chủ trương có dụng ý,
đã trở thành một phương thức làm du lịch thì không thể được. Nếu mọi
khách sạn đều chạy theo buôn bán kiểu này thì ngành du lịch sẽ không thể
tồn tại. Khách nước ngoài sẽ không muốn đến với chúng ta nữa. Bởi ta
không để tâm tạo cho khách sức hấp dẫn và phục vụ chu đáo. Vụ đại sứ
Scăngđi ở khách sạn Hà Thành vừa qua là một bài học. Chính vì muốn tăng
cường nghiệp vụ, muốn đổi mới cách làm ăn của khách sạn mà Tổng cục
và hãng đã điều tôi về. Nhưng thử hỏi các đồng chí, làm sao tôi có thể làm
việc được khi mà chị Kim Thanh muốn biến khách sạn thành nơi buôn bán
kiếm chênh lệch giá? Nhân đây tôi muốn hỏi đồng chí giám đốc: việc buôn
bán này ban giám đốc hãng có biết không? Mỗi tháng chị Kim Thanh chi
cho hãng bao nhiêu tiền?
- Ấy chết, chúng tôi hoàn toàn không được biết. - Bùi Sùng giật nẩy lên
như vừa bị gắp lửa bỏ bàn tay - Đây là lần đầu tiên tôi được nghe một cách
tường tận về sự việc này. Làm ăn kiểu này là không thể được - Sùng bỗng