xong công việc, hành khách chúng tôi lại xuống tàu đi tiếp.
Sau khi quan sát thị trấn Cô-rê-li, tất nhiên câu chuyện giữa chúng tôi
chuyển sang việc bình phẩm về cái thị trấn nghèo nàn, mặc dù rất Nga và
rất cổ kính này. Khó tìm được nơi nào buồn tẻ như ở đây. Tất thảy hành
khách trên tầu đều tán thành nhận xét ấy, và một vị thuộc loại người thích
khái quát triết học và giễu cợt chính trị đã thốt lên rằng, có một điều ông ta
không hiểu được: tại sao ở kinh đô Pê-téc-xbua người ta lại phải đầy những
kẻ mà họ không ưa đi tận những nơi xa lắc, gây tốn phí bao nhiêu cho kho
bạc nhà nước, trong khi ngay gần kinh đô có sẵn một nơi tuyệt vời là Cô-
rê-li trên bờ hồ La-đô-ga. Kẻ nào phải giam hãm ở nơi này thì dù đầu óc tự
do và chống đối đến mấy, cuối cùng cũng tiêu tan những tư tưởng ấy giữa
khung cảnh lãnh đạm của dân chúng và sự cằn cỗi hoang vu của thiên nhiên
vùng này.
- Tôi tin rằng, - người khách kia nói. - Căn nguyên của cách đầy ải tốn phí
kia dứt khoát chỉ là do họ lười suy nghĩ, hoặc ít nhất cũng do họ thiếu
những thông tin thích hợp.
Một người hay qua lại vùng này đối đáp rằng, thỉnh thoảng cũng có những
phạm nhân bị đầy ra đây nhưng hình như họ đều không chịu đựng nổi nơi
này.
- Một thầy dòng trẻ tuổi phạm tội hỗn xược với cấp trên (loại tội này không
sao hiểu nổi). Lúc mới ra đây, y hăng hái lắm, tin tưởng rằng sẽ thích ứng
được với khung cảnh này. Nhưng chỉ ít ngày sau, y bắt đầu uống rượu,
uống nhiều đến phát điên rồi gửi đơn thỉnh cầu lên cấp chính quyền, xin
được "xử bắn hay đăng vào lính, bởi vì y không đủ gan tự treo cổ".
- Thế cấp trên trả lời ra sao?
- Hừm... quả thật tôi cũng không rõ. Chỉ có điều anh chàng thấy buồn quá,
không đủ sức chờ quyết định của cấp trên, đã tự nguyện treo cổ trước.
- Mà y làm như thế là đúng, - vị triết gia phát biểu.
- Đúng ấy à? - Người thuật chuyện hỏi lại. Ông ta có vẻ một thương gia,
tính nết xem chừng đứng đắn, ngoan đạo.
- Chứ còn gì nữa? Y đã chết và thế là xong.
- Xong thế nào được? Sang đến thế giới bên kia y sẽ ra sao? Những kẻ tự tử