BẬC THẦY TRÍ TUỆ NHÂN SINH
- Gracián
Biển người mênh mông, mỗi chúng ta chính là một con thuyền nhỏ bé trong đó. Khi bơi thuyền
trên biển, bạn không thể biết mình sẽ gặp phải sóng to gió lớn nơi chân trời góc biển nào, liệu
có bị nó đánh tan xương nát thịt hay không. Vậy mà biển đời còn khó nắm bắt, khó thấu hiểu
hơn nhiều so với biển trong tự nhiên. Nếu muốn con thuyền được thuận buồm xuôi gió trong
đại dương mênh mông này, bạn cần phải trở thành một tay chèo cừ khôi, để chèo lái con
thuyền cuộc đời của chính mình, phải học cách vượt qua sóng gió, kịp thời điều chỉnh hướng
thuyền, tìm vị trí thích hợp cho mình trong đại dương - nơi hàng ngàn con thuyền khác đang
tranh đua. Bạn không thể để người khác vượt mặt mình, thậm chí “thôn tính” mình được.
Muốn trở thành người lái thuyền tỉnh táo, trước hết cần biết xem xét tình hình, phán đoán
những nơi đang tiềm ẩn sự nguy hiểm, tận dụng tất cả các điều kiện và hoàn cảnh ở xung
quanh. Gió bão trên biển lớn thường đến một cách đột ngột, đôi khi ở nơi mà ta chưa bao giờ
nghĩ tới, lại có những tảng đá ngầm đang lặng lẽ chờ đợi mình. Vì vậy, mỗi người phải có đủ sự
hiểu biết để quan sát những mối nguy hiểm có thể xảy ra trên đường đời, đồng thời cần tích
lũy tương đối phong phú những kinh nghiệm xử thế và trí tuệ, khéo léo tận dụng tất cả những
gì có thể tận dụng được, để giúp cho con thuyền nhân sinh được chèo lái nhanh hơn, an toàn
hơn.
Vậy thì, bạn còn do dự gì nữa? Hãy hiểu rằng, cũng như các tri thức khác, trí tuệ và kinh nghiệm
nhân sinh ngoài dựa vào việc đích thân trải nghiệm và cảm nhận, thì cũng có thể xuất phát từ
việc học hỏi kinh nghiệm và tri thức của người khác. Trên thực tế, bạn không thể nào tự mình
đi trải nghiệm tất cả mọi việc, bạn cũng không nên chờ đến lúc thực sự “kinh nhất sự” (trải qua
một việc), rồi mới “trưởng nhất tri” (thêm một phần hiểu biết). “Kinh nhất sự trưởng nhất tri”
thực ra là một kết quả bất đắc dĩ. Cách làm thông minh nhất chính là học hỏi kinh nghiệm
thành công của người khác, rút ra bài học từ sự thất bại của họ, sau đó đem những kinh
nghiệm và bài học này vận dụng vào thái độ ứng xử và việc chèo lái con thuyền nhân sinh của
chính mình. Chỉ có như vậy, bạn mới có thể bỏ ra một cái giá thấp nhất mà đạt được thành
công lớn nhất.
Khổng Tử nói: “Tam nhân hành tất hữu ngã sư yên” (Ba người đi cùng nhau, tất sẽ có người là
thầy ta). Thực ra, không nhất thiết phải là ba người mới có một người đủ khả năng để làm thầy,