- Hừ, hóa ra là trăm cái rui chỉ nhằm một cái nóc thật! Nhưng mà anh
Dậu này, chẳng lẽ là bấy lâu nay tôi vẫn nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà
à!
Buông thõng hai cánh tay dài như tay vượn, ông Văn Chỉ nói giọng tưng
tửng của kẻ đang ở thế thượng phong. Quả tang, chối sao nổi, Dậu liền gãi
gãi gáy, ra giọng khúm nịnh:
- Ối, thủ lĩnh hôm nay trông sao hoành tráng thế! Thủ lĩnh mới đi họp về
ạ. Thôi thì có chỗ nào em lỡ miệng phạm thượng thì xin bề trên mở lượng
hải hà, đại xá cho ạ!
Ông Văn Chỉ chẳng phật lòng đâu. Tính ông vậy. Ông lại đang hớn hở
thế kia. Nghĩ vậy nên đám các ông thợ lại ồn ồn nói nói cười cười như
không. Còn ông Văn Chỉ thì quả nhiên đã nhoẻn cười và cất giọng thật vui
vẻ chan hòa:
- Thôi, Dậu ơi. Tôi nói vậy thôi, tôi cũng không sôi gan nổi mật đâu. Vì
sao anh biết không? Vì bịa đặt, dối trá lúc này nó là căn bệnh của toàn xã
hội rồi. Nên anh cũng đáng được tha thôi. Ông Nietzsche, một triết gia nói:
Con người không thể sống được nếu không nói dối. Vì con người không thể
chỉ sống với chân lý được, vì như thế chân lý sẽ quá nhiều và sẽ quá tải,
không mang hết được.
Cha cha, được lời như cởi tấm lòng, Dậu lập tức bộc lộ khả năng khẩu
biện ứng biến kịp thời, nghển cổ láu cháu:
- Thế thì em xin hỏi: Vậy có khi nào bậc huynh trưởng đã sử dụng liệu
pháp nói dối để đạt được hiệu quả mong muốn không?
Hề hề... Ông Văn Chỉ bật cười. Cười để làm kế hoãn binh chăng?
Không! Anh Dậu ơi. Ông phó mộc đâu có bí. Đĩnh đạc và khoan thai, ông
vừa nhún vai vừa nhẹ tênh tênh:
- Anh Dậu ơi! Thế thì anh không biết câu thành ngữ dân gian này rồi:
Khôn nên quan - Gian nên giàu. Hế!
Nói đoạn, ông ngoắt tay ra hiệu cắt đứt câu chuyện ở đây, rồi cũng lại
vừa cười hề hề vừa nhẹ tênh: