Cho phép tôi kể về đứa bé gái trước. Nó mặc một chiếc quần ngắn
bằng da màu đỏ, một đôi giày da đỏ, một chiếc áo pull cũng màu đỏ, mái tóc
màu bạch kim được bện thành hai chiếc bím. Da thịt nó nõn nà trông chẳng
khác nào một giọt sữa, đôi mắt xanh biêng biếc như mặt nước hồ, đôi môi đỏ
chẳng khác hoa đào. Nó đẹp như một thiên thần!
Thằng bé bắt đầu thúc ngựa chạy vòng tròn trong bãi tập, ban đầu còn
chậm nhưng mỗi lúc một nhanh. Bốn chiếc vó ngựa loang loáng khiến tôi
liên tưởng đến những ngón tay siêu tốc khi đếm tiền của những cô nhân viên
ở các quầy giao dịch trong những ngân hàng lớn. Con ngựa nhỏ vượt qua
những chướng ngại trên đường chạy như bay lên không, có lúc bụng của nó
như cạ vào các thanh gỗ nằm ngang khiến chúng tôi giật mình. Nhưng không
có chuyện gì xảy ra cả, chúng tôi vỗ tay…, rồi lại vỗ tay.
Khi ở trên nước Đức, tôi luôn luôn thường trực một cảm giác: Giả mà
giống như thật, thật mà giống như giả! Chẳng hạn, trong chợ rau quả, đủ các
sắc màu tươi thắm, bao bì sạch sẽ tinh tươm khiến người mua nghi ngại -
Đây là do nhựa hay sáp chế thành? Hoặc như một bình hoa đang đặt trên bàn,
tuy biết đó là đồ giả nhưng anh không thể dằn lòng được mà phải đưa mũi
vào sát cánh hoa để ngửi mùi hương của nó. Ngựa Đức cũng chẳng khác nào
ngựa giả, quá sạch sẽ, quá thuần thục, quá bóng mượt và tất nhiên là không
thể tìm đâu ra được cái chất phóng túng hoang dã vốn là bản chất của ngựa
trên thân thể của chúng.
Tôi lại nghĩ về ngựa ở quê hương mình. Khi băng tuyết đã lấp kín mặt
đất, ngựa được thả ra ngoài đồng để kiếm tìm một ít mầm lúa mạch ngọn cỏ.
Một vầng mặt trời đỏ to tướng treo lững lờ, cánh đồng hoang sơ trắng xóa lấp
loáng một màu đỏ, những mầm lúa mạch mới nhú cũng đeo những giọt sương
băng màu đỏ. Con ngựa màu tía của nhà tôi toàn thân túa mồ hôi, lặng lẽ dùng
mõm ngắt những mầm lúa mạch mới nhú, chiếc đuôi phe phẩy lười biếng nhẹ
nhàng. Đôi mắt ngựa sáng trưng như một viên thủy tinh màu lam. Tôi rét lắm,
hai vành tai đỏ lựng đứng trên bờ đê, cao giọng gọi: Ngựa, quay lại, về