67
NẠN NHÂN
G
ần đây, cô Tư vừa phải đi đưa đám người anh họ. Ông ra đi ở tuổi
trung niên, đàn con chưa trưởng thành, để lại bà vợ nhỡ nhàng goá bụa.
Ông từng có "tiền án" là bệnh chảy máu dạ dày, nhưng trong một cuộc vui,
do bạn bè cứ nài ép và cũng do quá vui mà sa đà, quên mất "tiền án" của
mình, nên quá chén, và hậu quả tai hại là cái dạ dày bục ra, không cứu
được.
Chính cô Tư cũng từng đôi ba lần là nạn nhân khốn khổ của nạn say xỉn,
nạn "cho chó ăn chè". Đó là mấy lần anh trai cô và bạn của anh trai cô vui
quá trong bữa tiệc, quên mình là khách, quên mình là chủ, cứ nâng lên đặt
xuống, thi nhau, vô tội vạ, cốc này cốc khác, chai này chai khác, cuối cùng
cái sàn nhà vừa lau sạch bong bị lênh láng một thứ gì đó kinh khủng, từ
chất sền sệt đến mùi hăng hăng muốn ói.
Nạn thi nhau uống rượu, nạn trổ tài nốc men đang tràn lan, không những
lãng phí, gây hậu quả xấu mà còn là bất lịch sự, vì khi say, rượu nói nhiều
hơn người nói, uống vô tội vạ thì nói cũng thiếu suy nghĩ, cũng vô tội vạ.
Ngại nhất là không làm chủ được mình, không làm chủ được cái dạ dày...
khiến bao người phải ra tay làm tổng vệ sinh mướt mồ hôi.
Gặp mặt bạn bè, tiệc sinh nhật... đôi ba chén cho có khí thế, xem ra cũng
được, chẳng hại gì. Nhưng cứ nài ép, cứ thi tài (mà uống nhiều thì tài cán gì
đâu) cứ nốc rượu liên miên, ngất xỉu, ngã bò ra... thì đúng là hành động của
người thiếu bản lĩnh, thiếu văn hoá, không biết cách ứng xử nơi đông
người.
Người xưa có câu "Tửu bất khả ép", nhưng người ta lại thêm một vế nối
vào "Ép bất khả từ" thành thử có người sĩ diện (gọi là bệnh sĩ) không lượng