10
LÀM SANG
M
ặc bộ đồ lớn, không thể thiếu chiếc cà vạt. Dự dạ hội hay ngày lễ
trang trọng cũng phải thắt nó, là đương nhiên. Nhưng lâu nay, có những
trường hợp thấy đôi ba người thắt cà vạt không đúng chỗ, nên nó chướng
chướng thế nào ấy. Anh trưởng thôn, bác cán bộ ở xã vùng cao lên trả lời
trên vô tuyến truyền hình, cũng thắt chiếc cà vạt, ông cán bộ huyện về thăm
xã, tặng quà cho trẻ em nghèo vượt khó, đến gia đình Bà mẹ Việt Nam anh
hùng... đứng lẫn vào những khuôn mặt hốc hác, nhăn nheo, quần áo còn
chưa lành lặn, bàn chân họ đi đất, mái tranh tả tơi... mà mấy ông này quần
áo đắt tiền, phẳng phiu, mặt béo mỡ, chiếc cà vạt sặc sỡ trên cổ áo sơ mi
trắng bong... mà cứ thấy tủi tủi.
Thử nghĩ nếu bà mẹ nghèo kia đang vác cây củi dính bùn đất, ông cà vạt
này có dám đỡ một tay hay sợ bẩn chiếc áo lôm lốp và chiếc cà vạt diêm
dúa ấy?.
Trên đường vào làng, có chiếc xe lúa nặng, hì hục vượt cái cầu xi măng,
người nông dân toát mồ hôi, chiếc cà vạt có dám cúi xuống, ghé vai, "bắt
bánh" cho xe lên dốc?
Có con lợn sổng chuồng, chạy qua vườn hay con trâu đang húc nhau,
lồng lên... ông diêm dúa này có dám xông vào đuổi hộ hay sợ bẩn quần áo,
nhàu chiếc cà vạt?
Mặc quần áo sạch sẽ, phẳng phiu, chỉnh tề, ngay ngắn... là cần thiết và
vô cùng cần thiết. Nhưng dân ta còn nghèo lắm. Đến với người nghèo, đến
với nông thôn còn lam lũ... có nên quá diêm dúa, nắn nót, tự bao vây mình
bằng sự xa cách về trang phục, tự cách li mình ra khỏi người dân như thế
không?