15
BỰC MÌNH
H
àng ngày, ta tiếp xúc với bao người bao việc. Có người rộng lượng
bao dung, gặp chuyện không vừa lòng, cứ "cho qua" không chấp nê, lòng
thanh thản. Ngược lại, có người luôn cảm thấy "bực mình". Vào hội chợ,
đến công viên bị "móc túi" trả tiền gửi xe gấp hai ba lần, đi mua hàng gặp
cô nói thách, mua phải thứ hàng rởm, ăn phải bát phở nhạt nhẽo thiếu gia
vị, gặp ông thường trực hách dịch hỏi vặn hỏi vẹo, thấy mấy cậu thanh niên
ngang nhiên vượt đèn đỏ bất chấp cảnh sát, bị đứa mất dậy đâm xe vào
mình mà nó còn mắng lại, ngồi cạnh cái "ống khói" trong phòng họp ngay
dưới cái biển đề "cấm hút thuốc" hoặc cái biển ấy lại viết bằng tiếng Tây cứ
làm như mọi người Việt Nam đã hoá thành Tây-nội- hoá hết... Mỗi chuyện
ấy đều là nỗi "bực mình", không ý kiến thì người ta cho là mình thờ ơ, là
mình ngu, có ý kiến thì bị cho là kẻ rách việc... càng bực mình hơn...
Không một xã hội nào hoàn hảo, không một con người nào hoàn hảo.
Đương nhiên. Nhưng nếu mỗi người đều tự trọng và tôn trọng người khác
thì cộng đồng sẽ tốt đẹp hơn gấp nhiều lần là cái chắc. Bán hàng đúng giá.
Giữ xe lấy đúng tiền quy định. Gặp đèn đỏ phải dừng.
Hàng hoá phải có chất lượng. Không hút thuốc trong phòng họp. Không
giẫm lên cỏ trong vườn hoa. Làm sai dù nhỏ cũng phải xin lỗi v.v... thì có lẽ
không còn ai phải "bực mình".
Tuy nhiên, tuỳ tính cách mà mỗi người xử lý chuyện to chuyện nhỏ theo
cách khác nhau. Người hay bực mình là người kỹ tính chứ chưa hẳn là
người hay chấp nê, người cố chấp. Mọi chuyện gây ra nỗi "bực mình" phần
lớn đều ở thành phố, nếu không khoan dung, thì đều trở thành nguyên nhân
của những "cú sốc" mà thời nay người ta gọi là "Stress" nguy hiểm cho con