Người mua hoa không tiếc tiền, trả không cần đếm, nhưng người bán hoa
phải buôn bó hoa đó từ tinh mơ, từ xa tắp, thu hoạch được bao nhiêu về
nuôi con, nuôi mẹ chờ đợi cả ngày nơi làng xã thôn vắng? Không ai cần
biết. Cùng dắt chiếc xe đạp tàng đi bán mấy mớ rau, sao cô này chạy ré
chân thoát được, còn cô kia vứt hết lên chiếc xe ba bánh sơn xanh, khóc lóc
xin tha cũng không được, và một ngày hết vốn hết lãi là cái chắc? Hình như
mọi người đã quen mắt, nên bệnh thờ ơ, lạnh lùng thành truyền nhiễm.
Ta, mỗi người chúng ta là ai trong những con người kia vào đúng 5 phút
ấy trên đường phố? Vẫn luôn còn cảnh "Kẻ ăn không hết, người lần chẳng
ra". Vì trình độ, vì hoàn cảnh, vì tài năng và bất tài, vì khoẻ và yếu, vì đẹp
và xấu...?
Cách đây vài chục năm, có ông giáo Tòng, bỏ nghề dạy học tiếng Anh,
vác búa đi bổ củi thuê, lang thang từ phố này sang ngõ khác. Vì cái gì vậy?
Mấy chú "nhóc" trèo me trèo sấu, kiếm cành khô làm củi, cứ ngửa cổ nhìn
cây, có khi bước hụt xuống hè, trong khi có những "công tử" lao xe vun
vút, lạng lách ngoằn ngoèo, có đâm ngã ai cũng không sợ vì sẽ có người
xin hộ ngay... Này là chú bé bán rong, vai đeo cả một hiệu, tạp hoá chú ta
ước mong gì khi gặp những con người ung dung ngồi vắt chân chữ ngũ
suốt buổi để say sưa "bừng bừng khí thế". Không ai nghĩ phải san sẻ gì cho
nhau cả. Mỗi người phải tự sống theo kiểu riêng mình. Và 5 phút trôi qua,
một ngày trôi qua, một đời trôi qua. Nhà doanh nghiệp lớn và anh làm công
chấp nhận, phân chia đẳng cấp, như từ thời Tần Thuỷ Hoàng, người ra lệnh
xây Vạn Lý Trường Thành và người cúi đầu chấp hành lệnh ấy phải chết
gục bên tường thành vì đá gạch đè lên.
Có người ngồi xe thì phải có người lái xe. Có người ngồi ăn thì phải có
người bưng món ăn đó đặt lên bàn. Có người ốm đi chữa bệnh thì phải có
người khám bệnh và bán thuốc.
Sướng và khổ. Vui và buồn. Đầm ấm và cô đơn. Hạnh phúc và bất hạnh.
Giàu và nghèo. Đám ma và đám cưới. Người ăn lãi vì buôn đèn lồng trang
trí cho và người ăn lãi vì buôn quan tài.