Không, khi Chu diệt Ân thì các công thần Ân đưa người ra Triều Tiên để
chinh phục bọn Lạc bộ Trãi di cư đến đó, và có mang chữ Tàu theo hẳn hòi,
mà các công thần nhà Ân thì cũng đi từ đất Lạc bộ Chuy ra Triều Tiên, tức
là đường còn xa hơn nhiều, thế mà họ cứ còn nhớ chữ Tàu.
Rồi thì từ địa bàn định cư Triều Tiên đó, đến các địa bàn định cư khác,
thí dụ như Nhựt Bổn, Đài Loan và cổ Việt Nam, luôn luôn kế tiếp nhau, vì
họ đi bằng đường biển thì không mấy hôm là tới nơi, mà cũng chẳng có dân
định cư nào nhớ cái văn tự của Hà Đồ, Lạc Thư hết.
Bằng như nói là sách tâm truyền thì cũng được, nhưng chỉ phiền là hình
như là quả họ đã có văn tự rồi vào thời vua Vũ, vì các nhà khảo cổ Pháp đã
bảo rằng văn tự đời Thương đã được kiểu-thức-hóa khá sâu đậm, chớ không
còn là hình vẽ như văn tự Ai Cập, thế tức là văn tự đó đã có, ít nhứt là từ
đời nhà Hạ.
Nhận xét nầy, ta thấy được trên các mu rùa, xương thú chụp ảnh phóng
đại trong quyển L’Art de la Chine và quả văn tự đời Thương, tuy không
bằng chữ ngày nay, nhưng vẫn không phải là hình vẽ con ngựa con bò, cái
nhà nữa.
Nhà Hạ đã bỏ ra 432 năm để kiểu-thức-hóa hình vẽ cho thành văn tự để
nhà Thương hưởng, thì cái thời gian đó vô địch về mau chóng, chớ không
phải là quá lâu mà không thể tin được đâu, vì Ai Cập văn minh nhiều suốt
ngàn năm nhưng cứ còn vẽ hình hoài mà không kiểu-thức-hóa nổi.
Giáo sư Kim Định chủ trương rằng tất cả đều hẹp hòi, khoa nào cũng thế,
chỉ có văn hóa là mở rộng cửa cho ta thấy một chơn trời mênh mông mà
không khoa nào đủ khả năng cho ta cái nhìn tổng quát ấy được.
Câu trên đây rất đúng, nếu chỉ nói chuyện ảnh hưởng văn hóa giữa chủng
nầy với chủng nọ.