Hy Lạp, v.v. về thương mại, văn hóa, và được để yên, hầu làm một nước trái
độn. Văn minh Cận và Trung đông đã ảnh hưởng đến văn minh Trung Hoa
qua trung gian của 36 nước nầy ngay từ đời nhà Hán. Người ta đã tìm thấy
những chiếc gương đồng nhà Hán mà sau lưng được trang trí bằng những
chữ T. Đó là chữ Tau (đọc là Tô) của dân tộc Lưỡng Hà, và về sau thì văn
minh Ba Tư, Ấn Độ cũng đi qua nẻo nầy mà vào nước Tàu, mặc dầu 36
nước đó đã bị Hung Nô, rồi nhà Hán diệt đi.
Mãi cho tới đời Đường, Tam Tạng đi thỉnh kinh còn gặp những nơi phồn
thịnh ở đó, bây giờ thì trắng vàng đã lẫn lộn rồi.
Thật ra thì nhà Hán diệt cấp lãnh đạo Hung Nô của 36 nước Nhục Chi,
chớ dân và văn minh Nhục Chi cứ còn nguyên vẹn cho tới thế kỷ XIX mà
các nhà khảo cổ Đức, Nga, Pháp khám phá được họ, học tiếng của họ và
thấy ngôn ngữ họ đồng tông với ngôn ngữ Ấn Âu.
Chính Đường Minh Hoàng đã mượn toàn bộ âm nhạc Tây Vức, tức âm
nhạc của dân Nhục Chi.
Hiện nay thì nước Tàu làm chủ trọn phía Đông của Tây Vức mà Âu Châu
gọi là Turkestan Oriental và biến vùng đó thành tỉnh Tân Cương của họ.
Tỉnh đó chỉ còn giá trị quân sự, bởi đất đai đã bị sa mạc hóa hết cả rồi và
hơn 90 phần trăm ốc đảo xanh tốt ngày xưa, nay đã bị cát xâm lăng.
*
* *
Như vậy thì chủng Mông Gô Lích mà sử gia Nguyễn Phương nói đến,
không giản dị chút nào. Chưa chi ta đã thấy hai chủng khác nhau. Bắc
Mông Gô Lích của Hung Nô chánh gốc và Trung Mông Gô Lích của người
Hoa Bắc mà người Tàu thì chưa vượt được sông Hoàng Hà.