Anh cả - Nguyễn Khản
Tháng Bảy, mùa thu năm Cảnh Hưng thứ 44, Trịnh Khải làm Chúa
đã ra dụ khởi phục Nguyễn Khản chức thượng thư bộ Lại, làm công
việc tham tụng, đồng thời bổ dụng cậu ruột là Dương Khuông chức
quyền phụ sự. Nguyễn Khản trước đây là thầy học của Trịnh Khải
nhưng trong vụ án năm Canh Tý, do Ngô Thì Nhậm cáo tố nên đã bị
bắt giam. Trịnh Sâm nghĩ tình bạn xưa nên đã tha cho Nguyễn Khản
khi ông này viết Khúc tự tình giãi bày lòng mình. Tuy nhiên, từ đấy
ông không còn được tin dùng nữa.
Đến bây giờ, Nguyễn Khản lại được Chúa phục chức lớn. Điều
này khiến cho không ít người ghen tị. Họ đố kỵ bởi vì thời nào
Nguyễn Khản cũng được tin dùng. Họ cũng đố kỵ vì cả dòng họ Tiên
Điền, từ thân phụ Nguyễn Nghiễm của ông, đến anh em con cháu
ông, từ em ruột, em họ đến con rể, con ruột… ai cũng có tiếng là
thông minh, mẫn tiệp, rất nhiều người đỗ đạt làm quan nhỏ, quan
to.
Cái câu ca:
Bao giờ Ngàn Hống (Hồng Lĩnh) hết cây
Sông Rum (Lam) hết nước, họ này hết quan
mà anh em ông thường nghe, với Nguyễn Khản không đơn thuần
là một lời ca ngợi. Ông cảm nhận ở đó còn có cả một ấm ức ngấm
ngầm! Ông Khản là một người học nhiều hiểu rộng, rất sớm thành
đạt, tài kiêm văn võ và là một người già dặn lăn lộn chốn quan
trường. Con đường công danh của Nguyễn Khản cứ như được trời sắp
cho từng bước: 14 tuổi thi đậu tam trường, 20 tuổi đậu tứ trường, 24