Thanh, cái trán Dâng cúi cúi. Cái trán lõm một vết sẹo ở mé trái. Cái vết
thương Dâng mang từ ngay khi mới lọt lòng mẹ, khi Dâng tênh tênh tập
đứng, khi Dâng lẫm chẫm tập đi, khi Dâng biết chạy, biết nhảy, những lần
ngã nào thì cũng vập chỗ trán ấy xuống đất, xuống gạch, xuống đá, xuống
cọc, chết lặng đi. Cụ Ước nghe chuyện đã gật gù: "Tôi nghiệm những trẻ
con như thế thì đến đập đầu cối đá cũng không việc gì! Nuôi được lớn lên
thì khá lắm!"... Nhưng Dâng, phải như thế nào mới khá được, chứ từ ngày
Thanh để ý đến Dâng trên chuyến tàu thủy thì Dâng chỉ là một cái bóng.
Cái bóng hậm hụi làm đủ mọi việc trong nhà. Cái bóng lặng lẽ xo ro lúc đi
đội than cũng như khi đi bán nước, bán bánh. Chưa bao giờ Thanh thấy cái
bóng ấy cười cả!
Thanh nhìn cái trán sẹo của Dâng. Như một lưỡi dao bằng lửa điện,
hình ảnh của Huệ Chi, cái trán dô, gương mặt trắng mát như tượng cẩm
thạch lạnh lùng kiêu kỳ, rạch vút qua mắt Thanh... Thanh đã ngoắt trông
chung quanh và định đưa tay ra để nắm lấy bàn tay Dâng. Nhưng cả người
Thanh giật đánh thót, Thanh nuốt nuốt những hơi thở nóng bỏng cồn cồn
đưa lên và cũng để nuốt cả những giọt nước mắt ở trong tâm trí vỡ ra.
Thanh cầm lấy đĩa bánh. Dâng chớp chớp mắt, run
run nói:
- Chõ bánh hôm nay thổi xôi nếp cái, nhân mỡ lại nhiều, bà với cô
Ngơ cũng ăn hai đĩa đấy!
Dâng nói đoạn, cúi xuống nhặt cái vỉ đậy lại chõ bánh rồi gạt vén lên
những sợi tóc xổ xuống, nước mưa và mồ hôi dính bết ở má, ở trán...
...12 giờ ngày 20 tháng 12-1935
Ngày 5 tháng 11 là ngày sinh nhật của tôi. Nhưng tôi sẽ lấy cả ngày
hôm nay kỷ niệm làm ngày sinh nhật. Một ngày tôi đã chết đi sống lại và