Tuy vẫn vướng víu nghĩ đến Kiều, nhưng từ lúc Xim bắt sang những
chuyện của phong trào đấu tranh với tinh thần quần chúng cách mạng,
Chấn thấy tâm trí cứ bừng bừng theo từng sự việc từng con người mà Xim
kể, Xim tả. Đến khi Xim hỏi và Chấn phải suy nghĩ để trả lời Xim từng
điểm về tình hình chiến tranh, về giai đoạn cách mạng chuyển biến và
những kinh nghiệm hoạt động, công tác của Chấn, thì Chấn tưởng như
Chấn sống lại những năm mới gặp Xim giữa lúc phong trào đương lên,
trong người Chấn dào dạt vô cùng.
Càng về chiều gió đồng càng lộng. Nhà Chấn chỉ có một gian hai chái.
Gian lại hẹp, vừa đủ kê một giường nhỏ, một cái chõng và một cái bàn. Từ
cột kèo đến rui mè đều bằng tre ngâm nhưng đã mọt nhiều, có cái đã giập,
đã gãy. Mái lợp không biết đã được bao lâu mà để trông thấy cả trời, rạ thì
mốc mác, cùn cụt như phủ rêu. Tuy nhà hẹp lòng nhưng cả bức vách sau
đều trổ cửa sổ, cửa nào cũng to. Gian giữa chẳng có cửa mà cũng không có
mành, thông thống trông thẳng ra cánh đồng chỉ cách bờ ao nhà Chấn một
hàng tre bao gầy guộc lưa thưa. Gió đồng và ánh nắng luôn luôn thổi qua
giàn lý vào nhà.
Chưa bao giờ Xim được ngồi ăn uống ở một cảnh thênh thoáng như
cảnh đây. Đã thế Xim lại được nghe Chấn nói các chuyện. Cái tiếng nói dẽ
dàng ấm áp, cái giọng nói trầm trầm thấy rõ sự suy nghĩ, lòng tin yêu và
nguồn khích động của một con người chiến đấu cho một lý tưởng cao quý,
những tình ý say sưa, quyết liệt một sống một chết với quân thù và nhất
định sẽ giành thắng lợi về mình, về cách mạng... tất cả những cái đó lâu nay
Xim tưởng như sẽ chỉ còn là của những kỷ niệm xa xôi, của những ngày
gần gụi nhau quá ngắn, thì nay đương nhẹ nhẹ rung ngân bên tai Xim, trong
tâm hồn Xim. Xim thật được ngồi ở trước mặt Chấn. Xim thật được thấy
mắt Chấn nhìn mình. Và Xim được thật nhìn những đôi mắt và gương mặt
Chấn không phải chỉ với đôi mắt của người thiếu phụ ngỡ ngàng mến phục
một người đàn ông khi xưa, mà còn là với đôi mắt của một đồng chí, của
một người yêu. Phải, Xim thấy mình nhìn Chấn với thật là đôi mắt của một