Liều thân cho đời sống
Ta quyết chí hy sinh...
Nào anh em nghèo đâu...
Dâng cố lấy giọng êm ái ngọt ngào nhất vừa ngâm nga vừa hát. Tây
Dâng và tay mẹ La đập nhịp theo vào tay nhau. Nước triều đã lên cao, lờ lờ
như gạch cua, rào rào tung cả lên chỗ hai người ngồi. Những đợt sóng lấp
loáng ánh trăng, dội theo gió ngoài cửa sông Tam Bạc thổi vào ù ù. Cả hai
gương mặt mát mát tê tê. Cả bốn con mắt đều long lanh trông xa phía nhà
máy Xi măng và bến tàu Sáu Kho và ngước nhìn lên trời ngời ngời vành
trăng như không thấy mỏi thấy chán.
Dâng sắp chắp thêm được một mối nữa cho Tổ chức: Sơn. Không phải
chỉ vì có báo cáo của Cam lên Thành ủy mà còn vì sự phân công theo dõi
của Dâng về tình hình phong trào của mấy vùng thôn quê miền biển, về
những dân chúng chạy loạn, những học sinh, nhà giáo, đặc biệt là mấy cơ
sở nông dân chung quanh ấp An Sinh. Sơn có thể sẽ được liên lạc với Cam:
Sơn anh học trò rất giỏi rất ngoan con một ông ký đầu bàn giấy nhà buôn
to. Nhưng còn một người nữa cũng của Xim phân công cho Dâng phải báo
cáo mọi mặt sinh hoạt, và người này lại quen thuộc thân thiết như một họ
hàng ruột thịt của Dâng: Thanh, Thanh đã cùng đi tha hương cầu thực trên
một chuyến tàu với Dâng, đã ở cạnh nhà Dâng và cùng sống những ngày
đói khổ. Thanh không công ăn việc làm cứ sáng sáng ra đi với Dâng lên
phố, và chính ở đầu ngõ đá lối vào biệt thự của Thy San đấy, Thanh thường
ngồi thờ thẫn bên chõng hàng của ông Dâng mà mỗi khi múc nước, rót
nước cho Thanh, sao Dâng cứ thấy run thấy nóng cả trong người. Phải! Cái
cậu giáo Thanh ấy có một thời kỳ tích cực tham gia phong trào, bị sở mật
thám nhốt hàng tuần, sau bỏ lên Hà Nội đi làm các nơi, gần đây thì về ở với
mẹ và lại dạy học tư như trước. Trước và nay, Dâng vẫn thấy Thanh là
người đứng đắn, rất tốt cơ mà! "Là người trước cũng như nay Dâng vẫn