***
Sáng nay mấy khu phố chính Bônbe và Cầu Đất lại nhộn hẳn lên. Đội
bóng đá Mỏ neo sừng sỏ của nhà binh trên Hà Nội lại xuống đá với đội
Ôlempích con cưng của Cảng Hải Phòng, trên sân ngõ Cố Đạo. Ở hiệu ảnh
Phăngtagia lại bày thêm hai ảnh vẽ chì chân dung một thi sĩ và kịch sĩ nổi
tiếng trên Hà Nội. Họ vừa xuống để thay vai trong vở Bóng kiều nương
diễn đêm qua của ban kịch Hồn hoa, gồm những nghệ sĩ tự do không theo
nhóm văn đoàn hay nhà xuất bản nào, mà chân dung cũng do một họa sĩ
Cao đẳng mỹ thuật vẽ chì đã trưng ảnh tại hiệu Phăngtagia hàng tháng
trước cho tới nay mà vẫn đông người xem. Đám khán giả nọ còn phục còn
quý chân dung các kịch sĩ Hà Nội hơn cả những đào kép xinê phương Tây
đóng khung kính rất to rất lạ, treo ở rạp chiếu bóng cùng phố.
Đấy là phố Cầu Đất. Còn ở đường Bônbe thì sáng có hòa đàn Phi Luật
Tân ở Vườn địa đàng cũng là một rạp chiếu bóng to, cuộc trình diễn có cả
hát. Người hát cũng như bài hát nghe đâu mới ở Sài Gòn ra, đã luyện tập
rất công phu với những mục mới nhất gồm các điệu hát Nhật. Riêng rạp
Con chim sâu trước đây chuyên chiếu những phim Mỹ đặc sắc và lâu nay
chỉ chiếu có phim Pháp toàn phim từ năm 1936, 1937, thì từ đầu năm bắt
đầu chiếu luôn luôn phim Nhật.
Một việc nữa cũng làm đầu đề cho câu chuyện là, một cửa hàng
chuyên bán cho lính Tây ăn uống gần khu phố này, lại đề biển bằng phấn
xanh đỏ rất bay bướm: "Có sốt vang dê! Cơm Tây đặc biệt mỗi bữa năm
hào có rượu vang". Và ở một cao lâu Tàu cũng treo biển ngoài cửa, nhưng
dán giấy hồng điều vừa chữ nho vừa chữ ta: "Sáng nay ăn điểm tâm có xíu
mại tôm, cơm trưa chiều cua bể năm món giá đặc biệt một đồng"...
Mẹ La cũng đi ngoài đường buổi sáng nay. Nghĩa là mẹ lại đi giữa ban
ngày và lần này là lần thứ bốn kể từ ngày trốn tù ở Hà Giang về. Không
như lần thứ nhất nón mê, áo rách, đeo bị, một bàn chân quấn giẻ đi khập
khà khập khiễng, mặt mày vàng vọt ngờ ngạc, trông mẹ La như một thứ